Việt Nam chính thức đưa người lao động (NLĐ) theo diện thực tập sinh (TTS) sang Nhật Bản từ sau năm 1992. Từ đó, Nhật Bản luôn nằm trong tốp những nước tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất. 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026, trong đó Nhật tiếp nhận 51.859 người. Tuy nhiên, việc ồ ạt đưa TTS sang Nhật làm việc khi chưa có sự chuẩn bị tốt về kiến thức, tâm lý đã khiến nhiều người cảm thấy không như mong đợi.
Không như kỳ vọng
Năm 2017, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Nguyễn Quang Vinh (quê Vĩnh Long) quyết định sang Nhật Bản làm việc. Để có chi phí, anh vay mượn của người thân gần 200 triệu đồng và được một công ty xuất khẩu lao động ở TP HCM giới thiệu sang Nhật làm TTS kỹ năng nghề chế tác đồ gỗ.
Gắn bó với đất nước mặt trời mọc hơn 4 năm, với thu nhập 27-30 triệu đồng/tháng, trừ tiền thuế, sinh hoạt…, mỗi tháng anh Vinh tiết kiệm được khoảng 10-12 triệu đồng và đã trả hết khoản nợ sau 2 năm. Song, anh cũng nhìn nhận vốn tiếng Nhật của mình chỉ ở mức giao tiếp cơ bản.
Theo anh Vinh, dù mang danh nghĩa TTS kỹ năng nhưng thực chất chỉ là lao động giá rẻ (diện bậc 1), chịu sự quản lý của nghiệp đoàn. "Lúc mới sang Nhật, tôi bị sốc tâm lý lắm vì ở Việt Nam trước nay chỉ lo ăn học, chưa làm việc nặng nhọc bao giờ. Công việc hằng ngày ở xưởng là khuân vác 7-10 khối gỗ chưa gia công, mỗi khối nặng gần 20 kg nên về đến nhà là toàn thân rã rời" - anh Vinh nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp ngành y tế công cộng tại Trường ĐH Trà Vinh và đi tìm việc ở nhiều nơi, anh Nguyễn Văn Sơn (quê Bến Tre) cũng đã chọn làm TTS kỹ năng tại Nhật Bản. Đến Nhật năm 2019, hiện anh làm công việc lắp đặt máy điều hòa tại tỉnh Hyogo.
"Khi phỏng vấn TTS, người ta thông tin sang Nhật làm máy hút bụi, đến lúc ký hợp đồng thì làm máy nóng lạnh nhưng thực tế khi bắt tay vào công việc thì làm máy điều hòa. Lương thấp và công việc khá vất vả, nhiều lần tôi gọi điện thoại cho nghiệp đoàn phản ánh nhưng chỉ dừng lại ở mức hòa giải" - anh Sơn thất vọng.
Nhiều chuyên gia lao động cho biết những trường hợp như anh Vinh, anh Sơn là không ít. Trước khi xuất cảnh, họ chưa được tư vấn kỹ, định hướng nghề nghiệp phù hợp nên khi bắt tay vào việc thì rất dễ chán nản.
Các thực tập sinh Việt Nam tại một xí nghiệp cơ khí ở Nhật Bản. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Hoạch định tương lai cho người lao động
Theo bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo chuyển giao lao động và chuyên gia Suleco (Suleco Education), chương trình TTS kỹ năng do Chính phủ Nhật Bản đề xuất nhằm đào tạo lao động ở các nước đang phát triển về kỹ thuật, công nghệ, kiến thức ngành nghề. Nhật Bản muốn thông qua chương trình này để chuyển giao kỹ thuật; sau khi về nước, TTS sẽ là nguồn nhân lực có trình độ cao trong ngành nghề được đào tạo.
Bà Hạnh đánh giá đi theo diện TTS kỹ năng tại Nhật Bản, NLĐ sẽ có cơ hội nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tác phong làm việc chuyên nghiệp, nhận thức về kỹ thuật, nhất là trình độ tiếng Nhật. Nếu được tư vấn kỹ, định hướng ngay từ đầu thì NLĐ sẽ không bỡ ngỡ khi đến Nhật Bản.
"Ở những công ty có uy tín, ngoài đào tạo tiếng Nhật và kỹ năng cần thiết cho công việc mà TTS sẽ làm, họ còn định hướng nghề nghiệp cho từng người để phát triển công việc đó thành một nghề. Họ còn hướng dẫn về văn hóa Nhật, cách quản lý tài chính… để NLĐ hoạch định tương lai cho mình" - bà Hạnh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, nêu thực tế có đến 90% NLĐ đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu thuộc nhóm tay nghề thấp, hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ. Theo ông Lanh, xuất khẩu lao động nhiều năm qua chỉ giải quyết việc làm cho NLĐ mà chưa quan tâm tới nhóm có khả năng học tập, tiếp nhận công nghệ, tư duy quản lý của nước ngoài. Đa số NLĐ ra nước ngoài làm việc mang tâm lý kiếm tiền mà ít có kế hoạch tiếp thu, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp tương lai. Do đó, khâu tuyển chọn, đào tạo và định hướng cho NLĐ trước khi họ xuất cảnh rất quan trọng.
"Về lâu dài, nhà nước cần có lộ trình đàm phán mở rộng hợp tác các ngành nghề chuyên môn để tăng tỉ lệ lao động kỹ thuật cao đi làm việc tại nước ngoài. Nhóm này sẽ là nguồn lực giúp Việt Nam tiếp cận nền sản xuất tiên tiến của các nước, về phục vụ cho nước nhà" - ông Lanh đề xuất.
<grammarly-extension data-grammarly-shadow-root="true"></grammarly-extension><grammarly-extension data-grammarly-shadow-root="true"></grammarly-extension>
Hợp tác toàn diện hơn
Tại buổi tiếp ông Takebe Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội Nagomi (Nhật Bản), mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung mong muốn hai nước hợp tác toàn diện hơn trong 3 vấn đề, gồm: TTS và lao động đặc định; đào tạo nhân lực, hướng tới chất lượng cao; xây dựng lưới an sinh rộng lớn, bao gồm BHXH, an sinh xã hội... Sự phối hợp này cần sâu sắc hơn về đào tạo, dịch chuyển nhân lực, bảo đảm làm sao khi tham gia thị trường lao động của cả Nhật Bản và Việt Nam, NLĐ đều có việc làm thỏa đáng và an sinh xã hội bền vững.