Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý về mục tiêu hướng đến chất lượng chuyên sâu trong chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhắc lại mục tiêu, nhiệm vụ "4 trong 1" của hoạt động đào tạo nghề sau đại dịch, như chủ trương thể hiện trong Nghị quyết của Trung ương là "vừa để chống thất nghiệp, vừa để chuyển đổi công việc, vừa để nâng cao năng suất lao động, vừa giúp giữ chân người lao động".

Vướng mắc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, cứ điện cho tôi! - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương tại trụ sở Bộ ở Hà Nội (Ảnh Giáp Tống).

Trong bối cảnh mới, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, quá trình chuyển đổi mau lẹ của nền kinh tế số và toàn cầu hóa, công nghệ, máy móc hóa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động, kết nối nhanh, mạnh hơn với các cơ sở, doanh nghiệp để đào tạo lao động nhằm thích ứng chủ động trước tình hình mới.

Vấn đề được nêu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc để đánh giá việc triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề diễn ra ngày 12/4. Nêu ý kiến, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhận định, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ là một chính sách rất quan trọng.

Theo ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, việc ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa có ý nghĩa về mặt xã hội, không chỉ trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh mà còn có ý nghĩa, tác động lâu dài.

Vướng mắc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, cứ điện cho tôi! - 2

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH.

"Đối với cơ sở GDNN, việc tham gia thực hiện chính sách cũng là cơ hội để mở rộng quan hệ hợp tác với đơn vị sử dụng lao động trong việc phối hợp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động và nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên của nhà trường", ông Dũng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng cho biết, đã ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách. Cụ thể, thời điểm triển khai, khi Nghị quyết 68, Quyết định 23 được duyệt trong cuối Quý III và Quý IV năm 2021 là lúc các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Nhiều địa phương thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, nên các hoạt động triển khai đào tạo không thực hiện được.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI chưa thực sự quan tâm đến việc nhận hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, hoặc ngại làm thủ tục, phối hợp với cơ sở đào tạo xây dựng phương án để nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước.

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong triển khai các nhóm chính sách theo Nghị quyết 68, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát, kết quả này góp phần rất quan trọng vào sớm khôi phục và ổn định thị trường lao động, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an sinh và an toàn xã hội.

Vướng mắc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, cứ điện cho tôi! - 3

Các đại biểu địa phương họp trực tuyến tại các điểm cầu ở cơ sở.

"Doanh nghiệp, người lao động hồ hởi, trường nghề phấn khởi, người lao động được chuyển việc, nâng cao kỹ năng tay nghề cũng thấy hào hứng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung một lần nữa nhấn mạnh, mục tiêu đề ra của chính sách không chỉ đơn thuần là giúp người lao động chuyển đổi công việc sau dịch. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, trước mắt cần tập trung, làm thật tốt, phê duyệt tất cả các hồ sơ từ nay cho đến 30/6/2022. Bộ trưởng quán triệt: "Nơi nào đã nhận hồ sơ xin hỗ trợ rồi, tôi đề nghị lãnh đạo các đơn vị ngay trong tuần này, tuần sau ngồi lại với nhau, rà soát lại, phê duyệt hồ sơ ngay để cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động được thụ hưởng ngay".

Đối với những tỉnh, thành chưa triển khai chính sách, Bộ trưởng yêu cầu, phải xác định đây là một trong những công việc quan trọng trong hai tháng tới. Bộ trưởng giao đích thân người đứng đầu Sở LĐ-TB&XH các tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác này. Giám đốc Sở cần nhận trách nhiệm toàn diện, nếu cần thiết có thể thành lập một nhóm/tổ để đôn đốc thực hiện chính sách.

Bộ trưởng cũng nhắc nhở phải chú trọng công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách. "Vướng ở đâu, vướng gì, không cần phải văn bản nhiều, cán bộ có chức trách cứ điện về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm. Nếu đơn vị nào gặp vướng mắc vượt quá thẩm quyền của Cục, Tổng cục, cần thiết thì điện thẳng cho Bộ trưởng, tôi sẵn sàng lắng nghe để giải quyết cho bằng được".

 
Theo https://dantri.com.vn