Như vậy, phụ cấp thâm niên của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cũng được điều chỉnh tăng cho phù hợp với mức lương cơ sở mới.

Các đối tượng được tăng phụ cấp thâm niên

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên sẽ được tăng phụ cấp theo khoản 1 nêu trên.

Mức hưởng phụ cấp thâm niên của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các đơn vị công lập được thực hiện theo khoản 1 Mục III Thông tư 04/2005/TT-BNV (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03/2021/TT-BNV). Cụ thể như sau:

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có đủ điều kiện thời gian và tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung quy định tại điểm 1 và điểm 2 Mục II Thông tư 04/2005/TT-BNV được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung như sau:

+ Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại tiết a điểm 1.1 Mục II Thông tư 04/2005/TT-BNV, sau 36 tháng đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh đó; từ năm thứ tư trở đi, mỗi năm có đủ hai tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1%.

+ Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại tiết b điểm 1.1 Mục II Thông tư 04/2005/TT-BNV, sau đủ 24 tháng đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức hưởng của bậc lương cuối cùng trong ngạch đó; từ năm thứ ba trở đi, mỗi năm có đủ hai tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1% .

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2005/TTLT-BNV-BTC, nếu lương mới đã được tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung thì thời gian giữ bậc lương cũ dùng làm căn cứ để chuyển xếp sang lương mới được tính để hưởng thêm phụ cấp thâm niên vượt khung theo nguyên tắc cứ mỗi năm giữ bậc lương cũ mà có đủ hai tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1% phụ cấp thâm niên vượt khung.

 

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được tăng phụ cấp thâm niên từ ngày 1-7-2023 - Ảnh 1.

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức hoặc cách chức thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật thì thời gian để xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bị kéo dài được xác định như các trường hợp kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên.

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền là oan, sai sau khi bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam, bị kỷ luật, nếu vẫn được cơ quan có thẩm quyền đánh giá (bằng văn bản) là hoàn thành nhiệm vụ công tác được giao hàng năm, thì được tính lại các mức phụ cấp thâm niên vượt khung như khi đạt đủ tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung quy định tại Thông tư 04/2005/TT-BNV và được truy lĩnh phụ cấp, truy nộp bảo hiểm xã hội theo các mức phụ cấp thâm niên vượt khung đã được tính lại.

9 đối tượng được tăng lương cơ sở

Ngày 14-5-2023, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

9 nhóm đối tượng được tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023:

- Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 ).

- Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 ).

- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 ).

- Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thoả thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 33/2012/NĐ-CP ).

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.

- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

 
Theo A.Khánh (Báo Người Lao Động)