Sáng 14-4, Báo Người Lao Động phối hợp UBND tỉnh Bình Dương tổ chức tọa đàm, chủ đề "Nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam". Tọa đàm có sự tham dự của hơn 20 đại biểu là lãnh đạo một số cơ quan bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trường đào tạo và chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự.

Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ

Phát biểu mở đầu tọa đàm, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết song song với việc thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh, việc xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao luôn được tỉnh quan tâm để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Bằng nhiều cách làm, chính sách khác nhau, tỉnh Bình Dương đã và đang thu hút một lượng lớn nhân lực chất lượng cao cho nhiều ngành nghề mà tỉnh ưu tiên phát triển. HĐND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh nhà. Nhiều gói hỗ trợ để thu hút nhân tài đang được áp dụng đã cho nhiều kết quả đáng ghi nhận, người lao động (NLĐ) đến với Bình Dương rất hài lòng về đãi ngộ của tỉnh.

"Trong tọa đàm hôm nay, chúng tôi mong muốn được nghe các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các diễn giả trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực chia sẻ, giới thiệu những giải pháp và cách tiếp cận mới để nâng cao chất lượng nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Buổi tọa đàm có ý nghĩa quan trọng và rất đúng thời điểm về nguồn nhân lực chất lượng cao cho Bình Dương nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung" - ông Nguyễn Văn Dành bày tỏ.

TỌA ĐÀM VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC: Chất lượng nhân lực quyết định thành công - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Dành (thứ ba từ trái sang), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và ông Tô Đình Tuân (thứ ba từ phải sang), Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao đổi với các chuyên gia trong khuôn khổ tọa đàm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho rằng nguồn nhân lực được xác định là nhân tố quan trọng nhất quyết định thành công của mọi tổ chức, doanh nghiệp (DN) hay lớn hơn là cả quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì nguồn nhân lực được xem là nhân tố tiên quyết nhất để vực dậy nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá có nguồn nhân lực dồi dào, lực lượng lao động trẻ, năng động và được xem là nguồn lực quan trọng nhất trong mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, lực lượng lao động cũng bị ảnh hưởng nhưng từ đầu năm 2022, lực lượng lao động đã trở lại mạnh mẽ. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là chất lượng lao động. "Thống kê cho thấy lực lượng lao động qua đào tạo hiện chỉ mới khoảng 66%, trong đó chỉ có 26% là có văn bằng chứng chỉ. Con số này rất thấp so với khu vực và trên thế giới. Trong tỉ lệ lao động qua đào tạo có trình độ đại học chung của cả nước là 11% thì Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ có tỉ lệ nhỉnh hơn, khoảng 16%. Tuy nhiên đây là vùng trọng điểm kinh tế nên tỉ lệ này vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tế. Do đó, trong thời gian tới, việc nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên cao hơn nữa thì mới đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của DN. Đó cũng là bước quan trọng đầu tiên để nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao" - ông Huy nhìn nhận.

Cũng theo ông Huy, tác phong làm việc, kỹ năng và ý thức nghề nghiệp, thể chất... cũng là những yếu tố quan trọng làm nên một lao động chất lượng cao. Các khảo sát của Cục Việc làm cho thấy những thành tố này đang thiếu và yếu trên diện rộng. Câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao để xây dựng được nguồn lao động chất lượng cao ngay trong đội ngũ NLĐ đang có việc làm và cả những người đang tìm việc? "Đó là phải nâng cao hơn nữa tỉ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao ý thức, kỹ năng nghề nghiệp của NLĐ trong bối cảnh mới, trong kỷ nguyên mới với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, của khoa học. Làm được như thế là sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, chính quyền các cấp nhưng quan trọng nhất vẫn là mối quan hệ giữa nhà trường và DN. DN phải đồng hành với cơ sở đào tạo và lấy NLĐ làm trọng tâm" - ông Huy nhấn mạnh.

Thừa nhân công trẻ, thiếu lao động có tay nghề

TS Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho rằng khoa học công nghệ phát triển nhanh, đòi hỏi NLĐ phải có tay nghề, trình độ, chuyên môn sâu thì mới bắt kịp công việc. "Điểm nghẽn nguồn nhân lực hiện nay là thừa về số lượng nhân công trẻ nhưng lại thiếu lao động có tay nghề chuyên môn sâu ở những ngành cần thiết. Đôi khi giữa nhu cầu của người học không trùng khớp với nhu cầu của xã hội, nhu cầu của DN, nhu cầu cần thiết cho sự phát triển nên dẫn đến tình trạng các ngành nghề có nhu cầu cao nhưng không có người học. Đây cũng là lý do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao ở một số ngành nghề đặc thù" - TS Vân nói.

Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao như hiện nay, theo TS Vân, phải định hướng nghề nghiệp cho NLĐ ngay từ khi còn học phổ thông. Phải làm sao để học sinh - sinh viên biết được những ngành nghề nào xã hội đang cần, ngành nghề đòi hỏi chuyên môn sâu để xem có phù hợp với năng lực thực tế hay không.

Đồng quan điểm với TS Vân, bà Phạm Lan Khanh, CEO FreelancerViet, khẳng định xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao cần có một quá trình bài bản, phải làm tốt từ đầu vào đến đầu ra. Trong đó, đầu vào phải thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp học sinh - sinh viên tiếp cận với DN, hiểu văn hóa DN, học các kỹ năng làm việc thực tế từ DN như: tọa đàm nghề nghiệp, kiến tập học kỳ DN, tư vấn khởi nghiệp... Trong giai đoạn đào tạo, nhà trường cần cập nhật và bổ sung thường xuyên các chương trình đào tạo với những ngành nghề mới, công nghệ mới, giáo trình đào tạo cập nhật mới, tăng cường đội ngũ giáo viên thỉnh giảng là các giảng viên doanh nhân. Về đầu ra, các trường đào tạo cần chủ động kết hợp với các DN trên địa bàn tổ chức sàng lọc và tuyển chọn những hạt giống ngay từ những năm học đầu tiên. DN cần có lộ trình phát triển và đầu tư nhiều chính sách giữ chân nhân tài.

"Chính quyền các địa phương cần khuyến khích, đẩy mạnh khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thu hút DN khởi nghiệp quy tụ về địa bàn tỉnh; tăng cường các trung tâm ươm tạo, hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp, kết hợp đối tác chiến lược với các quỹ đầu tư, các chuyên gia đào tạo khởi nghiệp và các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia. Từ đó sẽ tạo động lực cho các bạn trẻ khắp nơi đổ về, họ chính là nguồn nhân lực chất lượng cao mà địa phương nào cũng mong muốn" - bà Khanh gợi ý.

TS Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp 4.0 Jobway, bày tỏ trăn trở với con số hàng trăm ngàn sinh viên ra trường - những NLĐ được xem là có trình độ nhưng lại không tìm được việc làm. Ông An lý giải, ngay từ lúc đầu, sinh viên đã lựa chọn sai ngành nghề mà mình muốn làm việc. Trong quá trình đào tạo, giảng viên chưa nắm được khung năng lực của ngành nghề đó trong tương lai để hướng dẫn sinh viên sau khi ra trường đáp ứng đủ những yêu cầu của công việc đó. "Học sinh phải được hướng nghiệp sớm, thậm chí từ cấp 2 để các em hiểu được mong muốn của mình, hiểu được nghề nghiệp mà các em lựa chọn. Kế tiếp là không chỉ xem kết quả học tập đại diện cho năng lực của học sinh - sinh viên. Năng lực để đáp ứng nhu cầu công việc thực tế rộng hơn nhiều, bao gồm cả kiến thức và các kỹ năng cần thiết" - TS An đề xuất.

Ông An cũng đề nghị các trường cao đẳng, đại học nên tăng cường kết nối với DN trong quá trình đào tạo để sinh viên được tiếp xúc với môi trường làm việc, biết được mình thiếu và yếu những kỹ năng nào để bổ sung. Trong kỷ nguyên công nghệ, những ứng dụng về hướng nghiệp cũng là công cụ không thể thiếu để định hướng tương lai việc làm cho học sinh - sinh viên.

Ra mắt Cổng kết nối việc làm

Trong khuôn khổ tọa đàm "Nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", ngày 14-4, Báo Người Lao Động ra mắt Cổng kết nối cung - cầu việc làm, tại địa chỉ: www.job.nld.com.vn (song song: vieclam.nld.com.vn). Đây là sản phẩm hợp tác giữa báo và đơn vị tuyển dụng nhân sự hùng mạnh hàng đầu hiện nay VietnamWorks (thuộc Navigos).

8-anhBOX

Cổng kết nối cung - cầu việc làm ra đời vào thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt với người lao động Việt Nam, nhất là khi Covid-19 đã gây biến động bất lợi đối với thị trường lao động trong gần 3 năm qua, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng triệu người cũng như kế hoạch tuyển dụng, sử dụng lao động của hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong nước.

Mời bạn đọc xem thông tin giới thiệu chi tiết (song ngữ) về cổng việc làm này tại link: https://nld.com.vn/cong-doan/mong-co-viec-muon-tuyen-nguoi-vao-day-20220414160628399.htm

 
Theo https://nld.com.vn