Tinh giản biên chế sẽ gắn với sắp xếp bộ máy, tổ chức, gắn với chế độ tiền lương, chính sách nên thường nhận được sự quan tâm từ nhiều người trong khu vực công.
Thông tin liên quan tới tinh giản biên chế nhận được sự quan tâm của nhiều công chức, viên chức.
Theo Kết luận 40-KL/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026, Bộ Chính trị kết luận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Giai đoạn 2021 - 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Thông tin liên quan tới chính sách tinh giản biên chế được nhiều người quan tâm. Gần 20 năm công tác trong nghề giáo viên, bà Nguyễn Hoàng Hà (giáo viên cấp 3, Quảng Xương, Thanh Hoá) cho hay, mỗi lần nghe thông tin về tinh giản biên chế là cả trường nơi bà đang công tác lại xôn xao. Nhiều người công tác lâu năm không biết chế độ tiền lương khi chủ động "rời biên chế" hay nghỉ hưu trước tuổi thì chế độ như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, vấn đề liên quan tới tinh giản biên chế luôn là câu chuyện nhận được sự quan tâm của nhiều người. Tinh giản biên chế sẽ gắn với sắp xếp bộ máy, tổ chức, gắn với chế độ chính sách và tiền lương, thu nhập… "Đây là vấn đề liên quan tới con người, liên quan tới cán bộ nên được rất nhiều người trong khu vực công quan tâm" - ông Dĩnh nói.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, chế độ chính sách với đối với việc tinh giản biên chế đã được Bộ Nội vụ ban hành tại Công văn 3538/BNV-TCBC.
Thực tế, tại các Nghị định 108/2014 và Nghị định 143/2020 của Chính phủ đã quy định rất chi tiết liên quan tới các chế độ chính sách về tinh giản biên chế. Với những đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế có thể dựa vào các quy định này để tra cứu thông tin.
Theo Công văn 3538/BNV-TCBC của Bộ Nội vụ, các nội dung về tính hưởng chế độ, chính sách tinh giản biên chế như sau:
Tiền lương tháng để tính chế độ tinh giản biên chế thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 12 Nghị định 108/2014/NĐ-CP.
Tiền lương tháng được tính bao gồm:
Tiền lương theo ngạch, bậc hoặc theo chức danh nghề nghiệp hoặc theo bảng lương; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Tiền lương tháng để tính các chế độ trợ cấp quy định được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản.
Riêng đối với những trường hợp chưa đủ 5 năm (chưa đủ 60 tháng) công tác, thì được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của toàn bộ thời gian công tác.
Riêng về cách tính tiền lương tháng để tính chế độ tinh giản biên chế được thực hiện:
Đối với đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 6 Điều 2 Nghị định 108/2014/NĐ-CP.
Tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh; phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề và mức chênh lệch bảo lưu lương được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 04/2019/TT-BNV.
Đối với đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 2 Nghị định 108/2014/NĐ-CP:
Trước ngày 1-5-2013: Hệ số mức lương được tính theo bảng lương của thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, bảng lương của Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc kế toán trưởng ban hành kèm theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP.
Từ ngày 1-5-2013 trở đi: Hệ số mức lương được tính theo quy định tại bảng hệ số mức lương của viên chức quản lý chuyên trách ban hành kèm theo Nghị định 51/2013/NĐ-CP.
Về thời gian tính chế độ tinh giản biên chế: Thực hiện theo khoản 8 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP. Về nghỉ hưu trước tuổi: Thực hiện theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP và Văn bản số 4126/BNV-TCBC ngày 24.8.2021 của Bộ Nội vụ.