Hỗ trợ người lao động tham gia giao dịch việc làm

Trước Tết Nguyên đán, lực lượng lao động đi làm việc ngoài tỉnh bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn và quay trở về địa phương hơn 5.900 người. Qua khảo sát sơ bộ, 27% lao động dự định ở lại địa phương học nghề và tìm kiếm việc làm mới, số còn lại tiếp tục đi làm việc ngoài tỉnh, hoặc chưa có dự định. Đến nay, 85% lao động đi làm việc ngoài tỉnh đã trở lại làm việc tại các công ty hoặc tìm kiếm công việc mới. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với địa phương triển khai các giải pháp hỗ trợ lao động chưa có việc làm sớm tiếp cận công việc phù hợp.

Trong tỉnh, nhìn chung tình hình lao động tại các DN tương đối ổn định. Trước Tết, các DN đã chi tiền lương, thưởng và các phúc lợi khác cho NLĐ. Tại một số DN thông báo cắt giảm hợp đồng, thời gian làm việc. Sau khi nắm tình hình, số lượng, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp Phòng LĐ-TB&XH đã đến địa phương tư vấn, giới thiệu việc làm mới và học nghề. NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp ở các xã, thị trấn đã được cung cấp rất nhiều vị trí việc làm, học nghề thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề, như: Điện công nghiệp, may mặc, sản xuất linh kiện điện tử, xuất khẩu lao động…

Đơn cử với số lao động bị chấm dứt hợp đồng tại Công ty TNHH An Giang Samho, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã kết nối các công ty, DN đến từng xã của huyện Châu Thành để tư vấn, giới thiệu các công việc mới cho NLĐ. Đại diện các công ty trực tiếp giới thiệu về quy mô, mức lương, thời gian làm việc, nhu cầu đang tuyển dụng và chính sách đãi ngộ dành cho NLĐ. Theo Sở LĐ-TB&XH, đến nay, đa số các DN trên địa bàn tỉnh đã hoạt động bình thường. Số lao động trở lại làm việc tại các DN khoảng 98,69% (tại các khu công nghiệp khoảng 95%).

Đầu năm đến nay, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được ngành chức năng và các địa phương tăng cường. Với khoảng 3.000 người trong độ tuổi lao động trên địa bàn có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới, huyện Phú Tân đã tổ chức phiên giao dịch việc làm, phát huy hiệu quả kết nối cung - cầu giữa NLĐ và DN tuyển dụng.

Thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến, có 58 DN tư vấn xuất khẩu lao động, đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh tham gia, tổng chỉ tiêu tuyển dụng 10.000 vị trí việc làm ở các ngành nghề: May công nghiệp, viễn thông, chế biến lúa, gạo… Huyện còn mời 2 DN tham gia phiên giao dịch, tuyển dụng lao động, tạo điều kiện cho NLĐ có việc làm ngay tại địa phương. Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Tân Võ Thanh Tùng cho biết, tỷ lệ NLĐ được phỏng vấn qua phiên giao dịch đạt trên 50%. Trong đó, số người được hẹn phỏng vấn khoảng 20% và tỷ lệ tham gia lao động tại các DN được tư vấn chiếm 10%.

Theo Sở LĐ-TB&XH, thời gian tới, đơn vị tiếp tục chủ động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, các ngành liên quan nắm bắt tình hình lao động, việc làm của NLĐ trong các DN. Cùng với đó, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường lao động, tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ NLĐ tham gia giao dịch việc làm... Các giải pháp phân luồng học sinh, sinh viên đang được triển khai chọn lọc, hướng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ cấu phù hợp nhu cầu của nền kinh tế tỉnh.

Để kịp thời hỗ trợ NLĐ bù đắp chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống do bị mất việc làm, ngành LĐ-TB&XH tăng cường nắm thông tin lao động từ các DN, địa phương. Qua đó, đề nghị các chủ DN thực hiện tốt chính sách về quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề cho NLĐ tại DN nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Từ đó, góp phần giữ chân lao động tại chỗ, giải quyết vấn đề biến động lao động, thiếu hụt lao động tại DN khi phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Hiện nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đang chỉ đạo công đoàn các cấp tích cực, khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị chi hỗ trợ cho gần 14.000 lao động bị mất việc, giảm thu nhập trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong đó, có 2.694 lao động đã thôi việc tại Công ty TNHH An Giang Samho, tập trung nhiều nhất tại huyện Châu Thành (hơn 1.000 người), huyện Châu Phú (508 người), huyện Chợ Mới (424 người)… Bên cạnh, Sở LĐ-TB&XH phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát, kịp thời hỗ trợ nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để hỗ trợ NLĐ.

 

 
Theo Mỹ Hạnh (Báo An Giang Online)