Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa báo cáo về tình hình lao động, việc làm trong dịp Tết Quý Mão 2023.
Báo cáo cho biết, đến ngày 24.1 có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng (chiếm khoảng 0,06% tổng số doanh nghiệp) tập trung ở các ngành nghề: dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ... Có 637.491 lao động (chiếm khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp) bị ảnh hưởng việc làm, chủ yếu là giảm giờ làm thêm và giảm giờ làm việc bình thường.
Về tình hình lao động, việc làm đầu năm 2023, dựa trên dự báo kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, hoạt động của các doanh nghiệp sớm ổn định trở lại và gia tăng nhu cầu tuyển dụng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định thị trường lao động sẽ tiếp tục đà phục hồi. Tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho thấy nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý I.2023 khoảng 377,7 nghìn người. Con số này cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua. Tuy nhiên, một số ngành thâm dụng lao động có thể bị cắt giảm đơn hàng đến hết quý I năm nay và điều này sẽ ảnh hưởng tới vấn đề bảo đảm việc làm cho người lao động.
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận có 499 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển thêm lao động trong quý I.2023, với số lao động lên đến 14.379 người. Trong đó lĩnh vực may mặc - da giày 5.000 người, điện - điện tử 2.200 người, hóa nhựa 800 người, bán buôn có nhu cầu tuyển dụng cao nhất với 1.000 người…
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bắc Giang, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn sau Tết Nguyên đán khoảng 17.000 lao động. Nhìn chung, nguồn lao động của tỉnh và lao động từ các địa phương lân cận về nghỉ Tết có nguyện vọng tìm kiếm việc làm tại địa phương cơ bản đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn…
Kết nối hiệu quả cung - cầu lao động
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá, nhìn tổng thể, thị trường lao động nước ta vẫn dư thừa lao động và phát triển không đồng đều; cung lao động còn nhiều bất cập; số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp. Việc kết nối cung - cầu lao động còn hạn chế, vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ ở một số địa phương, khu vực, ngành nghề.
Bên cạnh đó, tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp chưa cao. Hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa thật sự có sự kết nối về thông tin trên phạm vi giữa các ngành, vùng, trên cả nước. Cơ sở dữ liệu về thị trường lao động chưa được cập nhật thường xuyên, có độ trễ lớn. Những tháng cuối năm 2022, bên cạnh các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thu hẹp đơn hàng khiến khoảng 53 nghìn lao động mất việc thì các doanh nghiệp khác vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động trên 300 nghìn người.
Trong năm 2023, cụ thể là quý I, quý II, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự báo tình trạng thiếu lao động cục bộ tiếp tục diễn ra. Đặc trưng của thị trường lao động là 2 quý đầu năm thường có số lao động nhảy việc lớn, tuy nhiên nhu cầu tuyển dụng ở một số địa bàn có thể gia tăng, khoảng 350 - 400 nghìn lao động, đặc biệt là lao động kỹ thuật.
Trước bối cảnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết sẽ đẩy mạnh rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, da giày, sản xuất gỗ... để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu. Bên cạnh đó, sẽ tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm về chi phí đi lại, thông tin tuyên truyền...