Hiện có hàng trăm ngàn lao động Việt Nam làm việc ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ bằng những con đường khác nhau nhưng đa phần đều đi lao động hợp pháp và cố gắng hoàn thành hợp đồng đã ký. Bên cạnh đó, cũng có không ít người lao động (NLĐ) nhận thấy nước thứ 3 tiềm năng hơn nên chấp nhận rủi ro, thậm chí phá vỡ hợp đồng để tiếp tục nối dài hành trình "xuất khẩu lao động" của mình.
Tiền mất tật mang
Trong đợt truy quét người nước ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp mới đây, cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ một số người Việt Nam và đã trục xuất về nước. Trong số đó có anh Nguyễn Văn Q. (32 tuổi, quê Nghệ An).
Nhiều lao động về nước đến Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam để tìm hiểu cơ hội sang Đức làm việc
Anh Q. cho biết khi đang là thực tập sinh (TTS) năm 2 tại Nhật Bản, anh nghe theo lời bạn bè rủ sang Hàn Quốc làm lương cao hơn. Vì vậy, anh đã phá bỏ hợp đồng TTS và sang Hàn Quốc làm việc bất hợp pháp từ cuối năm 2022. Nằm thất nghiệp ở nhà, anh Q. buồn bã cho biết vì quyết định sai lầm của mình đã làm ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, tổ chức và bản thân giờ đây khó sang một nước nào khác để làm việc.
Chị Ngô Hồng Loan (26 tuổi, quê Quảng Bình) cũng đang là TTS năm cuối tại Nhật Bản. Công việc nặng nhọc, lương thấp, cộng với việc đồng yen liên tục mất giá nên vẫn chưa trả hết số nợ mà gia đình đã vay mượn để chị sang Nhật. Nhận thấy thị trường việc làm tại Úc có thu nhập cao, điều kiện cũng đủ nên chị Loan quyết tâm học thêm tiếng Anh để sang Úc theo diện visa 462 (Work and Holiday).
"Tôi hỏi một đơn vị dịch vụ có văn phòng ở TP HCM và Úc, họ báo tổng chi phí là hơn 160 triệu đồng nếu bay từ Việt Nam, còn bay từ Nhật thì khoảng 200 triệu đồng. Tôi đã đặt cọc 50 triệu đồng để làm hồ sơ nhưng hơn 2 tháng nay họ tìm cách lảng tránh. Tôi nhờ người thân tìm đến địa chỉ văn phòng nhưng đó là công ty không có thật" - chị Loan kể.
Dù đang có công việc ổn định tại Đài Loan nhưng anh Hà Văn Lộc (30 tuổi, quê Hà Tĩnh) cũng tìm cách sang Úc để tiếp tục nuôi hy vọng đổi đời. Do không có bằng cấp, vốn tiếng Anh cũng không nhiều nên đầu năm nay anh được một người bạn quen trên mạng xã hội chỉ cách nộp hồ sơ trực tuyến cho chính quyền bang Tây Úc. Anh Lộc làm theo và chuyển "phí xét duyệt hồ sơ" hơn 1.500 AUD (khoảng 23 triệu đồng).
Hơn 20 ngày sau, anh nhận được email thông báo đã được nhận bảo lãnh và phải chuyển tiếp hơn 1.000 AUD để luật sư lo hồ sơ, xin visa. Chưa dừng lại đó, khoảng 1 tháng sau, anh Lộc nhận thông báo hồ sơ đã xong, phải nộp thêm 2.000 AUD để mua vé máy bay, phí luật sư nữa là nhận visa. "Sau khi đóng tổng cộng 4.500 AUD (gần 70 triệu đồng), tôi chờ mãi không thấy visa đâu, hỏi người bạn thì thấy tài khoản đã khóa" - anh Lộc buồn rầu nói.
Nhiều rủi ro
Luật sư di trú Hunter Te ở Úc cho biết rất nhiều người đang làm việc ở châu Âu, Nhật, Hàn, Đài Loan (Trung Quốc)... quan tâm đến cơ hội việc làm tại Úc. Theo luật sư Te, Úc hiện rất thiếu lao động nhưng Bộ Di trú Úc làm việc rất chặt chẽ, các loại visa có thể đến Úc học tập, làm việc dài hạn, ngắn hạn đều minh bạch trên website của Bộ Di trú Úc. Vì vậy, không ai có thể can thiệp hay làm giả mà qua mặt được chính quyền nước này. Do đó, nếu không đủ tiêu chuẩn để xin các loại visa đến Úc thì tuyệt đối không tin những người nói có thể giúp được.
Gần đây, Úc đã đẩy mạnh việc truy quét người nước ngoài cư trú bất hợp pháp và cũng đã có trường hợp người Việt Nam bị trục xuất về nước do không chứng minh được tính hợp pháp. "Rủi ro rất lớn nếu lao động người Việt đang ở nước ngoài tìm cách đi đến nước thứ 3. Bởi việc xin visa sẽ không thuận lợi, cũng không thể đến văn phòng trực tiếp làm việc. Làm việc qua mạng xã hội thì nguy cơ bị lừa đảo rất cao. Do vậy, tôi khuyên mọi người nên về Việt Nam để được pháp luật bảo vệ, rồi tìm hiểu thật kỹ trước khi đi tiếp đến một nước nữa để lao động" - luật sư Te khuyên.
Lãnh đạo một doanh nghiệp dịch vụ phái cử lao động, trụ sở tại TP HCM, cho hay có hiện tượng lao động chuyển sang nước thứ 3 khi chưa hoàn thành hợp đồng. Điều này khiến doanh nghiệp không ít lần phải giải trình với nhà tuyển dụng, thậm chí bồi thường với số tiền lớn trong khi không thể thu từ NLĐ. Người này cũng chia sẻ có nhiều lao động tìm đến công ty để đi Nhật, Hàn Quốc làm việc nhưng thực chất là bước đệm để họ đến nước thứ 3 trong một đường dây đưa lao động đi làm việc trái phép.
Đây là con đường đầy rủi ro, thậm chí ảnh hưởng tính mạng, NLĐ tuyệt đối không nên nghe lời tư vấn của những người mà mình chưa hiểu biết về họ nhiều. "Chúng tôi luôn khuyến cáo NLĐ thận trọng khi muốn chuyển hướng sang nước thứ 3 làm việc. Đó là quyền của NLĐ nhưng làm gì cũng phải hợp pháp và tuân thủ hợp đồng đã ký. Đó cũng là cách để hồ sơ của NLĐ được đẹp hơn khi muốn đến bất cứ nước nào làm việc" - vị này nói.