Theo khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Đây là mức hưởng không thấp khi người lao động vẫn có được 60% thu nhập để chi trả cho sinh hoạt trong thời gian đi tìm công việc mới.
Tuy nhiên, mức hưởng tối đa còn phụ thuộc vào khu vực hưởng. Trong đó, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng, tương ứng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 7.450.000 đồng. Tuy nhiên từ ngày 1/7 lương cơ sở tăng, theo đó mức hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng.
Đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu tháng như sau: Vùng I: 4.680.000 đồng; vùng II: 4.160.000 đồng; vùng III: 3.640.000 đồng; vùng IV: 3.250.000 đồng.
Tương ứng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lần lượt là không quá 23.400.000 đồng đối với vùng I; không quá 20.800.000 đồng đối với vùng II; không quá 18.200.000 đồng đối với vùng III; không quá 16.250.000 đồng đối với vùng IV.
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2023, người lao động cần đáp ứng các điều kiện, phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc sau: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Theo số liệu thống kê của bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2022, số người có quyết định hưởng mới trợ cấp thất nghiệp do cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp nhận từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh là 963.550 người, trong đó nam 394.579 người với mức hưởng bình quân là hơn 23,2 triệu đồng; lao động nữ với 568.971 người, mức hưởng bình quân hơn 21 triệu đồng. Thời gian được giải quyết hưởng bình quân là 5,54 tháng đối với nam, 5,56 tháng với nữ.
Số người có quyết định hưởng mới hỗ trợ học nghề do cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp nhận từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh là 20.397 người, trong đó nữ 12.274 người, nam 8.105 người. Mức hưởng bình quân theo quyết định hưởng đối với lao động nam là gần 6 triệu đồng/tháng với thời gian được giải quyết hưởng bình quân 3,99 tháng; nữ trên 5,2 triệu đồng với 3,61 tháng.