Sáng 22-4, tại TP HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức đánh giá thực hiện các chỉ đạo về công tác thi đua khen thưởng và tham gia ý kiến một số định hướng phục vụ xây dựng báo cáo chính trị Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2023-2028). Tham gia có đại diện Công đoàn 7 tỉnh, thành, ngành ở phía Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, phát biểu tại chương trình
Tại hội nghị, các đại biểu cho biết phong trào thi đua nhiều nội dung còn dàn trải, chưa rõ trọng tâm. Tiêu chí để đạt được bằng khen Tổng LĐLĐ Việt Nam còn khó, nhất là công nhân lao động trực tiếp. Đối với chương trình "Một triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, nhiều đơn vị thực hiện chưa hiệu quả do vướng mắc sáng kiến thuộc về bí mật doanh nghiệp, không muốn công khai. Ở nhiều doanh nghiệp, công nhân không có máy tính, không biết cách vào phần mềm đăng ký sáng kiến…
Các cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng do UBND TP HCM phối hợp cùng LĐLĐ TP HCM Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức
Các đại biểu kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu, phát triển các phong trào thi đua, cụ thể hóa các hoạt động thi đua tại các công trường; quan tâm đến vị trí, việc làm làm công tác thi đua ở cơ sở; đề nghị khen thưởng ở cấp cơ sở nhiều hơn cấp trên; Giải thưởng Nguyễn Văn Linh nên tổ chức 5 năm 2 lần để cá nhân có thời gian hoàn thiện…
Đại biểu phát biểu tại chương trình
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhìn nhận các phong trào thi đua hiện nay quá nhiều, thi đua còn chung chung, chưa định lượng cụ thể. Giải thưởng Nguyễn Văn Linh sẽ có sự thay đổi lớn. Các đơn vị khẩn trương chọn đúng người, đúng chuẩn, phát hiện, bồi dưỡng để trở thành điển hình xuất sắc. Các đơn vị phải khắc phục tư tưởng tự ti là đơn vị không có nhân tố điển hình. Các Công đoàn cấp tỉnh, Công đoàn ngành phải trao giải thưởng định kỳ cho cán bộ Công đoàn.
Từng Công đoàn tỉnh, ngành phải có người phụ trách phong trào sáng kiến, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho cấp dưới và có năng lực hoàn thiện kỹ thuật cho các tác giả. Khắc phục tình trạng lãng phí sáng kiến vì các sáng kiến chưa đủ điều kiện không hiện lên phần mềm như TP HCM hiện có hơn 4.300 sáng kiến chờ xem xét, Bình Dương có 391 sáng kiến đang xem xét, Long An có hơn 500 sáng kiến đang xem xét… Hình thành tổ hướng dẫn Tổ sáng kiến ở cơ sở gợi mở, tiếp nhận ý tưởng sáng kiến, hướng dẫn kê khai sáng kiến. Công đoàn cơ sở phải có kế hoạch hưởng ứng phong trào sáng kiến vì Công đoàn cơ sở là nơi đoàn viên làm việc, sáng kiến xuất phát từ đây.
Anh Võ Dũng, công nhân Nhà máy nước Thủ Đức (Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn) có nhiều sáng kiến
Ông Trần Thanh Hải kỳ vọng chương trình Một triệu sáng kiến có nhiều sáng kiến trong công nhân trực tiếp. Các cấp Công đoàn phải tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chương trình, các mô hình mới, chương trình hay, giá trị của sáng kiến. Đây còn là niềm tự hào của người lao động khi họ trách nhiệm với tổ chức Công đoàn, cơ quan, đơn vị. Công đoàn các cấp phải kịp thời động viên, tuyên dương các tập thể, cá nhân tham gia chương trình, có kết quả tốt ở các cấp.
Sáng cùng ngày, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát động "Chiến dịch thi đua cao điểm 40 ngày" của Chương trình "Một triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19". Chiến dịch phấn đấu đến hết ngày 31-5, đoàn viên cả nước có trên 300.000 sáng kiến đạt hiệu quả gửi qua hệ thống phần mềm trực tuyến của chương trình.