Ông Lưu Văn Dũng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh này.
3 năm không điều chỉnh mức lương
Báo cáo cho biết, các dự án đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản hoạt động hiệu quả, các chỉ tiêu kinh tế năm sau đạt cao hơn năm trước, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
"Tiền lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp là trên 6,5 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp là trên 9,6 triệu đồng/người/tháng"- báo cáo thể hiện.
Tuy nhiên, từ năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực tới đời sống, kinh tế - xã hội. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng khá lớn, đặc biệt đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời đang diễn ra khá phổ biến trong các doanh nghiệp, do số lao động là F0, F1 tăng cao.
Nhiều doanh nghiệp đã 3 năm trở lại đây không điều chỉnh mức lương cho người lao động, vì vậy tiền lương, thu nhập của một bộ phận người lao động không đảm bảo sinh hoạt, cuộc sống, dẫn tới một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp xuất hiện tình trạng ngừng việc tập thể, kiến nghị người sử dụng lao động các nội dung liên quan đến nâng lương.
So với các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc, tiền lương bình quân của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp Vĩnh Phúc đứng thứ 5/11 tỉnh của Đồng bằng Sông Hồng.
Thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại doanh nghiệp đứng thứ 4/11 tỉnh của Đồng bằng sông Hồng và thứ 6/25 tỉnh phía Bắc.
Qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 19.616 người lao động đang thuê trọ (chiếm 8,3% số lao động của các doanh nghiệp). Trong đó, lao động là người ngoại tỉnh chiếm trên 80%.
Lao động có nhu cầu thuê trọ tập trung chủ yếu tại các địa bàn có khu công nghiệp, nơi có doanh nghiệp sử dụng số lao động lớn tại các huyện Bình Xuyên, thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên. Nhu cầu nhà ở, phòng trọ có chất lượng (khép kín, an toàn, vệ sinh, chi phí hợp lý) của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày một tăng.
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá, số lượng và chất lượng nhà trọ trên địa bàn đều chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động. Đa số các phòng trọ là nhà cấp 4 do tận dụng diện tích đất hộ gia đình, xây dựng tạm bợ, chất lượng kém, không khép kín, hệ thống vệ sinh dùng chung, thiếu ánh sáng... Một số khu nhà trọ cũng là nơi dễ phát sinh các tệ nạn xã hội, ma túy.
Có một số chủ nhà trọ đã đầu tư xây mới phòng trọ, nhà trọ với khu vệ sinh khép kín, chống nóng nhưng số lượng không nhiều do chủ nhà trọ hầu hết là các hộ gia đình, kinh phí đầu tư xây dựng cao, thời gian thu hồi vốn lâu và nhiều vấn đề phức tạp phát sinh ở các khu thuê, trọ.
Kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ người lao động
Sở Lao động- binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc thông tin, năm 2021, trung bình mỗi tháng có 43 doanh nghiệp dừng sản xuất, kinh doanh, giải thể. Quý I/2022, trung bình mỗi tháng có 105 doanh nghiệp dừng sản xuất, kinh doanh, giải thể. Việc đó đã ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của một bộ phận người lao động.
Một số doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp để ứng phó, như giảm giờ làm, tổ chức làm việc luân phiên, cho lao động ngừng việc, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động… dẫn tới ảnh hưởng đến sự ổn định việc làm, thu nhập của người lao động, gây ảnh hưởng nhất định đến quan hệ lao động trong doanh nghiệp.
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tuyển lao động, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động; ký hợp đồng về công tác tuyên truyền vị trí việc làm, chỗ làm việc trống cho doanh nghiệp.
Bên cạnh tổ chức các phiên giao dịch định kỳ, phiên giao dịch online thông thường, cơ quan này cũng đã đẩy mạnh hoạt động tổ chức phiên giao dịch online kết nối với các tỉnh lân cận, khai thác nguồn cung lao động ngoại tỉnh như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn để mở rộng nguồn cung lao động. Ước tính trong quý I/2022 toàn tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết việc làm cho gần 5.500 lao động.
Cơ quan này dự báo, đời sống của người lao động sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một bộ phận người lao động sẽ không được điều chỉnh tiền lương, trong khi lạm phát gia tăng, giá cả các mặt hàng không ngừng "leo thang".
Từ đó, Sở đề xuất UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, vào kỳ họp giữa năm 2022.
Xem xét, chỉ đạo ban hành một số chính sách về hỗ trợ một phần tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Hỗ trợ người lao động làm việc tại doanh nghiệp đi về hằng ngày bằng xe buýt của tỉnh Vĩnh Phúc. Hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động của doanh nghiệp làm việc tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
"Xem xét, chỉ đạo ban hành cơ chế đặc thù của tỉnh để triển khai các dự án khu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, kèm theo các thiết chế để quản lý tại địa bàn Vĩnh Yên, Bình Xuyên nơi có các khu công nghiệp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được xây dựng khu ký túc xá cho công nhân lao động, bằng kinh phí của doanh nghiệp" - văn bản do Giám đốc Sở LĐ-TB&XH ký nêu ra một số kiến nghị.
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 12/4/2022, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp và thống nhất đề xuất Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng lên 6% từ ngày 1/7/2022. Do đó, dự kiến mức lương tối thiểu vùng II (thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Yên Lạc, huyện Bình Xuyên) tăng từ 3.920.000 đồng lên 4.160.000 đồng; mức lương tối thiểu vùng III (các huyện còn lại) tăng từ 3.430.000 đồng lên 3.640.000 đồng/tháng
"Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng nhằm hỗ trợ người lao động giảm bớt khó khăn và là động lực để tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng dẫn tới chi phí tiền lương, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động tăng; chưa kể các phụ cấp, khoản bổ sung, hỗ trợ cho người lao động tính trên cơ sở mức lương tối thiểu vùng cũng sẽ tăng theo"- báo cáo nêu.