Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí (đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM) phản ánh, người dân đang rất khó khăn nhưng lương người lao động không tăng, thậm chí còn giảm. Còn doanh nghiệp phải chịu chi phí đầu vào cao để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Vì thế, theo ông Lê Minh Trí, việc giảm, miễn thuế là quyết sách đúng, kịp thời, góp phần kiềm chế giá cả, lạm phát, hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp. Ông kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, đánh giá bổ sung việc miễn giảm thuế theo hướng sâu hơn, dài hơn, không chỉ 2% trong năm 2022 mà có thể 2 năm hoặc dài hơn tùy lĩnh vực, đối tượng.

"Chúng ta cần chọn những khâu, lĩnh vực, đối tượng bị tác động nặng nề nhất để hỗ trợ", ông Lê Minh Trí nói và cho rằng việc hỗ trợ đối tượng, lĩnh vực có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, có khả năng hỗ trợ sẽ phục hồi nhanh để thúc đẩy, dẫn dắt chung nền kinh tế phục hồi nhanh hơn. "Chúng ta không hỗ trợ cào bằng mà có chọn lọc, ưu tiên để đảm bảo hợp lý", ông Trí nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội tán thành tăng lương tối thiểu từ 1/7 - 1

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị tăng lương tối thiểu từ 1/7.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đề xuất tiếp tục có những biện pháp pháp luật hành chính, kinh tế đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực, làm lành mạnh hóa bộ máy quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp cả ở khu vực công và khu vực tư.

Ngoài ra, theo ông Huỳnh Thanh Phương, cử tri cho rằng một trong những giải pháp hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực với cán bộ công chức, viên chức, là thu nhập phải đảm bảo cuộc sống.

"Trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động bị ảnh hưởng, rất khó khăn trong cuộc sống, nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng. Thu nhập chính từ lương hàng tháng hiện nay thấp, đã và đang bào mòn liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức", ông Phương nêu ý kiến.

Đại biểu Phương kiến nghị cần nhanh chóng có biện pháp hữu hiệu thực hiện ngay lộ trình cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người lao động. "Cần nhận thức rằng, đây là khoản đầu tư nguồn lực con người, đầu tư cho sự phát triển, là nguồn lực nội sinh quan trọng, là động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội ở nước ta", đại biểu đoàn Tây Ninh nói.

Tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) dẫn điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy có 5% người được hỏi chỉ được ăn thịt, cá khoảng 1, 2 lần một tuần, 34% cho biết chỉ ăn thịt, cá 3 lần một tuần, 41% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. "Thật xót xa khi còn nhiều người lao động không dám đi khám bệnh vì không có khả năng chi trả", đại biểu Nghĩa nói.

Đại biểu cũng nêu khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 4/2022 cho thấy, chỉ có khoảng 55% người lao động có tiền lương và thu nhập đủ sống, khoảng 25% phải chi tiêu tằn tiện, 13% không đủ sống ở mức tối thiểu.

Trong hai năm xảy ra đại dịch Covid-19, lương tối thiểu không tăng. Theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, lương tối thiểu của người lao động tăng từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu này sẽ được tăng thêm 6%. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát từ năm 2020 đến nay đã vượt quá số này. Với tốc độ tăng giá tiêu dùng như vừa qua, nhiều lao động sau giờ làm chính, phải làm thêm nhiều việc khác tại nơi làm việc khác, vắt kiệt sức khỏe.

"Công nhân lao động cũng như nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất của quốc gia", để bảo vệ và phát triển tài sản quý giá này đại biểu đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, như quy định của Bộ luật Lao động.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho biết, hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về phía người sử dụng lao động, nhất là đối với nhóm doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động sẽ chịu tác động lớn khi điều chỉnh tiền lương vì chi phí đi kèm tăng lên không hề nhỏ.

Thực tế, có những doanh nghiệp sử dụng tới 45.000 lao động, chưa kể số doanh nghiệp sử dụng khoảng 10.000 lao động trên cả nước hiện cũng rất nhiều. "Tuy vậy, người lao động ủng hộ, đón chờ quyết định việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022. Họ cho rằng, trong thời gian qua người lao động đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp, nhất là trong thời gian dịch bệnh, họ phải làm việc 3 tại chỗ, đồng ý tăng thời giờ làm thêm", đại biểu Nguyễn Thị Xuân nói.

Trước năm 2020, theo thông lệ, việc tăng lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 1/1 hàng năm, tiền lương tối thiểu của người lao động thường được tăng mỗi năm từ 5-7% nhưng trong 2 năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của Covid-19 tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tiền lương tối thiểu vùng đã không tăng, thu nhập giảm, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn.

Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá đang tăng. Nữ đại biểu cho rằng, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 là đúng đắn và cần thiết. 

 
Theo https://dantri.com.vn