Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã hoàn thiện Tờ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Tại dự thảo này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giữ nguyên đề xuất mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% từ ngày 1/7/2022 (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Bên cạnh lương tối thiểu tháng, lần đầu tiên dự thảo cũng đề xuất mức lương tối thiểu giờ trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cho 4 vùng tương ứng, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Trước đó, khi tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết về cơ bản các đơn vị góp ý đều thống nhất với nội dung dự thảo, tuy nhiên về lương tối thiểu giờ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất có cộng thêm hệ số bổ sung để bù đắp cho người lao động.
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, lương tối thiểu rất cần thiết sớm được ban hành, đây cũng là mong đợi rất lâu của người lao động và phù hợp với thực tế của thị trường lao động. Tuy nhiên, theo ông Hiểu cần nghiên cứu để nhân với hệ số nhằm bù đắp cho người lao động. “Hiện nay chúng tôi đề xuất cộng thêm hệ số 1,3 – 1,5 để đảm bảo quyền lợi người lao động và phù hợp với giá cả sức lao động trên thị trường”, ông Hiểu nêu quan điểm.
Tuy nhiên, giải trình về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng tại Việt Nam, pháp luật lao động không quy định phân biệt chế độ giữa người lao động làm việc trọn thời gian (áp dụng lương tối thiểu tháng) và người lao động làm việc không trọn thời gian (áp dụng lương tối thiểu giờ). Do đó, không có căn cứ để tính hệ số bổ sung cộng thêm vào mức lương tối thiểu giờ.
Ngoài ra, nếu tính thêm hệ số bổ sung để có mức lương tối thiểu giờ cao hơn thì người lao động sẽ chuyển từ hưởng lương tháng, làm việc trọn thời gian, ổn định sang hưởng lương giờ. Việc này tạo ra sự xáo trộn lớn về quan hệ lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và có thể ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Từ thực tế này, các chuyên gia Tổng chức Lao động quốc tế khuyến nghị Việt Nam chọn phương pháp quy đổi tương đương lương tháng, nhất là trong lần đầu triển khai quy định về mức lương tối thiểu giờ để tránh xáo trộn, sau đó tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lo lắng nếu tính mức lương tối thiểu giờ cao hơn lương tối thiểu tháng thì người lao động sẽ chuyển từ hưởng lương tháng, làm việc trọn thời gian sang hưởng lương giờ thì thực tế sẽ không xảy ra như vậy.
Theo ông, trong bối cảnh thị trường lao động linh hoạt, đa dạng thì cần có mức lương tối thiểu giờ phù hợp, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Vị chuyên gia tổ chức công đoàn cho rằng, phần cao hơn chỉ là bù đắp những thiệt thòi của người lao động yếu thế như không đảm bảo việc làm bền vững, không tham gia các chế độ an sinh xã hội, chế độ phúc lợi chứ không phải cao hơn hẳn so với lương tối thiểu tháng. “Hệ số này chính là đảm bảo cân bằng quyền lợi của người lao động giữa hai khu vực nên không lo chuyện người lao động chuyển từ khu vực hưởng lương tháng sang khu vực hưởng lương giờ”, ông Quảng bày tỏ.