Ngay khi nhiều doanh nghiệp (DN) thông tin về việc cắt giảm lao động, trong đó có người lớn tuổi, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đồng loạt vào cuộc nhằm hỗ trợ người lao động (NLĐ) ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nỗ lực của các cấp, ngành chỉ dừng lại ở mức kết nối, việc có nhận người vào làm hay không thuộc thẩm quyền của nhà tuyển dụng. Nhiều DN cũng chung tay với chính quyền giải quyết việc làm cho NLĐ nhưng chất lượng lao động lại chưa được như kỳ vọng.
Cần giải pháp dài hơi
Theo TS Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI), trong gần 1.200 NLĐ của Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP HCM) bị mất việc, gần 90% là nữ, 370 người có độ tuổi ngoài 40, hơn 10 người đã bước qua tuổi 50. Đa số lao động này gắn bó lâu dài với DN, cuộc sống vốn ổn định, con cái cũng đã lớn. Giờ mất việc khiến họ mất phương hướng bởi cuộc sống phần lớn dựa vào đồng lương công nhân.
Lao động lớn tuổi có thể chọn công việc dịch vụ để vừa có thu nhập vừa có điều kiện chăm sóc gia đình. Ảnh: GIANG NAM
TS Đỗ Thanh Vân cho rằng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chiếc phao an sinh tạm thời lúc này; bên cạnh đó là sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, chính quyền địa phương. Ông Vân nói: "Song, đó là những việc trước mắt, là "con cá". Về lâu dài, NLĐ lớn tuổi cần cái "cần câu", là một công việc ổn định để mưu sinh. Họ cần việc làm phù hợp để có thu nhập đều đặn hằng tháng chứ số tiền hỗ trợ sẽ hết rất nhanh".
Với NLĐ lớn tuổi, ông Vân đề nghị ưu tiên chuyển dịch công việc cho nhóm lao động này gần nơi họ vừa bị mất việc. Chẳng hạn, số lao động bị cắt giảm của Công ty TNHH Tỷ Hùng thì sắp xếp vào làm trong KCN Tân Tạo hoặc khu vực lân cận. Theo ghi nhận của FALMI, trên địa bàn quận Bình Tân, nhiều DN đang tuyển lao động từ sản xuất đến dịch vụ. Nếu kết nối được như vậy sẽ giúp NLĐ không phải di chuyển quá xa, vừa có việc làm vừa ổn định cuộc sống căn bản.
ThS Nguyễn Thị Hồng Thủy, Trưởng Bộ môn Xã hội học - Trường ĐH Văn Hiến, cho rằng việc DN quyết định cắt giảm ai, giữ ai là quyền của họ, miễn là tuân thủ pháp luật về lao động. DN nào khi sản xuất - kinh doanh cũng mong có lợi nhuận để bảo toàn vốn và giải quyết việc làm cho NLĐ. Khi đứng trước khó khăn, họ buộc phải chọn giải pháp tối ưu để giữ DN, tránh phá sản. Trong khi đó, nếu NLĐ có việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống thì xã hội sẽ ổn định, phát triển; còn họ mất việc hàng loạt thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều thứ trong tổng quan mối quan hệ gia đình và xã hội.
"Để có được chính sách toàn diện, hỗ trợ và thúc đẩy việc làm bền vững cho NLĐ lớn tuổi, cần có một cuộc khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu, qua đó nắm được tâm tư, nguyện vọng của họ và ban hành các chính sách sát thực tế nhất với nguyện vọng của NLĐ" - ThS Nguyễn Thị Hồng Thủy nhìn nhận.
Chưa hết cơ hội
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho biết bên cạnh những DN bị cắt giảm đơn hàng, nhiều địa phương vẫn thiếu hụt lao động cục bộ. Trước mắt, Cục Việc làm sẽ chỉ đạo các trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) giải quyết ngay chế độ BHTN cho NLĐ bị mất việc. Trong quy trình giải quyết BHTN, các trung tâm DVVL phải đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm việc làm cho số lao động mất việc.
Để kết nối cung cầu và giúp NLĐ mất việc nhanh chóng tìm được chỗ làm mới, Sở LĐ-TB-XH TP HCM đã yêu cầu Trung tâm DVVL thành phố cùng các phòng nghiệp vụ phối hợp với địa phương làm việc trực tiếp với chủ DN cắt giảm lao động để hỗ trợ giới thiệu việc làm. Thông qua Trung tâm DVVL TP HCM, DN cắt giảm lao động tạo điều kiện cho các DN có nhu cầu đến tận nhà máy gặp gỡ, phỏng vấn tuyển lao động. Trung tâm DVVL TP HCM cũng sẽ tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh hoạt động tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho lao động mất việc, đồng thời hướng dẫn thủ tục để NLĐ hưởng các chế độ chính sách khi có nhu cầu.
Tiếp xúc với chúng tôi, đại diện nhiều DN cho biết thị trường việc làm dành cho lao động lớn tuổi rất rộng mở, đa dạng công việc và cả hình thức làm việc. Theo đại diện Công ty CP BPO Mắt Bão (quận Tân Bình, TP HCM) - đơn vị cung cấp dịch vụ thuê ngoài nhân sự khá lớn, công ty thường xuyên tuyển dụng lao động cả toàn thời gian và bán thời gian. BPO Mắt Bão cung cấp các dịch vụ chăm sóc khách hàng, xử lý đơn hàng, giao nhận, lao động thời vụ, dịch vụ vệ sinh công nghiệp...
"Chúng tôi liên tục tuyển dụng tất cả NLĐ có sức khỏe, nhanh nhẹn. Trừ những vị trí đòi hỏi có chuyên môn, còn lại NLĐ đều được đào tạo trước khi giao việc; mức thu nhập tùy từng vị trí công việc" - ông Park Moon Hwa, Phó Giám đốc Công ty CP BPO Mắt Bão, cho biết.
Trong khi đó, ông Phan Hồng Minh, Giám đốc Công ty CP Phát triển dịch vụ nhà sạch HMC - với thương hiệu JupViec, bảo đảm các công việc trong gói dịch vụ giúp việc gia đình theo giờ, định kỳ theo tháng; tổng dọn dẹp nhà cửa, văn phòng, khách sạn; vệ sinh công nghiệp sau xây dựng... của DN này rất phù hợp với NLĐ lớn tuổi.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-12
Trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ lao động mất việc
Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng lúc này nhà nước cần có chính sách giúp DN giữ chân NLĐ. Trong đó, việc trích quỹ BHTN là khả thi bởi đây là quỹ ngắn hạn và hiện kết dư khá nhiều. "Trong bối cảnh khó khăn của DN, VCCI mong muốn đề xuất DN được hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động từ Quỹ BHTN. Từ nguồn kết dư Quỹ BHTN, các cơ quan chức năng nên xem xét hỗ trợ trực tiếp chi phí cho DN phục vụ việc đào tạo NLĐ. Điều này vẫn đúng với mục tiêu của quỹ là đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho NLĐ" - bà Minh nhìn nhận.