Sáng 25/5, tại trụ sở Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 (PAR index 2021) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3 nội dung người dân, tổ chức mong cải thiện nhiều nhất
Ông Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ - cho biết, năm 2021 Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công và chất lượng phục vụ. Từ đó làm cơ sở xác định, thực hiện các biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ công, mang lại sự hài lòng cho người dân, tổ chức.
Do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan đã nỗ lực rất lớn và có những điều chỉnh kịp thời để có thể triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức. Trong đó, UBND 63 tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp, hỗ trợ chọn mẫu điều tra xã hội học; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn 63 Bưu điện tỉnh thực hiện phát, thu phiếu điều tra xã hội học đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch; Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tham gia ý kiến thông qua báo cáo kết quả.
"Nhờ đó, việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức năm 2021 đã hoàn thành, lắng nghe được ý kiến phản hồi của 28.372 người dân, tổ chức từ khắp mọi vùng, miền trong cả nước"- ông Hùng cho hay.
Kết quả, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói chung cả nước năm 2021 là 87.16%. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của 63 tỉnh nằm trong khoảng 94.07% - 82.79%. Các tỉnh có Chỉ số hài lòng cao ở nhóm đầu (từ 90% trở lên) gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tĩnh, Sơn La, Bắc Ninh và Bắc Giang.
Ba nội dung mà người dân, tổ chức mong đợi các cơ quan hành chính nhà nước cải thiện nhiều nhất là: Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính với 54,02% mong đợi; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính với 51.89% người dân, tổ chức mong đợi; tăng cường nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính, với 47.26% người dân, tổ chức mong đợi.
Nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ
Theo báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ (PAR index 2021) được phân loại gồm 3 nhóm điểm chính:
- Kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 90%, bao gồm 3 đơn vị: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Kết quả Chỉ số cải cách hành chính từ trên 80% đến dưới 90%, bao gồm 13 đơn vị: Bộ Nội vụ; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Kết quả Chỉ số cải cách hành chính dưới 80% có một đơn vị là Bộ Khoa học và Công nghệ với giá trị Chỉ số cải cách hành chính là 78.72%.
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính hàng năm đã trở thành công vụ quản lý quan trọng, giúp xác định rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ của từng bộ, tỉnh; đồng thời cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.
Trong bài tham luận gửi tới hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đã nhấn mạnh về cải cách hành chính của Bộ. Theo đó, năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã rất nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.
Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, một khâu đột phá trong hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội, Bộ đã triển khai quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực của ngành, từ công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ giai đoạn 2021-2025. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (Quyết định số 2230/QĐ-TTg ngày 30/12/2021). Theo đó, sẽ thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 35%; quy định về thủ tục hành chính là 25%; quy định về yêu cầu điều kiện là 9,8%; tiết kiệm gần 3,6 tỷ đồng/năm cho cá nhân và doanh nghiệp.
Dưới tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 tới vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội của người dân, Bộ đã chủ động đề xuất và phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ như: Nghị quyết số 68, Quyết định số 23 và Nghị quyết số 116, Quyết định số 08 với nhiều gói hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, kịp thời phục hồi thị trường lao động và góp phần phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
"Theo khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương (báo cáo ngày 5/1/2021) về kết quả 5 năm 2016-2020 cho thấy niềm tin của Nhân dân về chính sách xã hội, đảm bảo an sinh, chính sách người có công không ngừng tăng, tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 72%; về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 68%, tăng 13 bậc"- Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, thời gian tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để công tác cải cách hành chính tiếp tục phát huy vai trò tốt nhất, góp phần đẩy mạnh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; đồng thời đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Bộ, của ngành.
Trong đó sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách mạnh mẽ thể chế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Ổn định và phát triển thị trường lao động; hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động quay trở lại làm việc. Khôi phục nhanh và đảm bảo nguồn cung lao động cho phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ nâng cao nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập. Đột phá về chuyển đổi số về dự báo trong cung cầu lao động, bảo hiểm thất nghiệp, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội cho toàn ngành…