Trong khuôn khổ phiên chất vấn, kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, các đại biểu đã dành nhiều câu hỏi cho Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An về vấn đề giải quyết việc làm, đặc biệt là lao động hồi hương tránh dịch.
Cần 29.000 lao động
Đại biểu Hồ Văn Đàm (huyện Quỳnh Lưu) cho biết, hiện các khu công nghiệp trong tỉnh đang phát triển mạnh, doanh nghiệp rất cần lao động nhưng việc tuyển dụng khó khăn. "Ngành lao động đã có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn lao động?", đại biểu đặt vấn đề.
Trung bình mỗi năm, khoảng 38.000 lao động Nghệ An được giải quyết việc làm. Tuy nhiên, qua 2 đợt lao động từ các tỉnh, thành về quê tránh dịch cho thấy số lượng không có tay nghề cao, chiếm tới 75%.
Đại biểu Lục Thị Liên (huyện Con Cuông) đề nghị lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH nêu rõ quan điểm về chất lượng lao động và tương quan trong vấn đề giải quyết việc làm của tỉnh hiện nay. "Ngành đã và sẽ có giải pháp nào nâng cao chất lượng tay nghề cho lao động?", đại biểu Liên đặt câu hỏi.
Trả lời ý kiến đại biểu, ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An - thừa nhận có tình trạng lao động nhiều, doanh nghiệp "khát" nhân lực nhưng người dân vẫn lựa chọn rời quê hương tìm việc làm. Theo thống kê, Nghệ An có 260 doanh nghiệp cần tuyển khoảng 29.000 lao động, mỗi năm Nghệ An bổ sung cho thị trường khoảng 47.000 lao động, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển được người.
Nguyên nhân tại đâu?
Theo ông Vũ, nguyên nhân chính là chưa có sự gặp nhau giữa cung và cầu lao động. "Doanh nghiệp cần tuyển lao động có tay nghề, mức lương như vậy nhưng ngược lại, người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp với tay nghề, trình độ và mong muốn của họ, đặc biệt là thu nhập. Đã là thị trường lao động thì người dân có quyền lựa chọn nơi thu nhập cao hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với tay nghề hơn", Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An lý giải.
Ông Vũ cũng thừa nhận, 65% lao động Nghệ An đã qua đào tạo nhưng thực chất có tay nghề chứng chỉ mới được khoảng 25%, khó đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có trên 75.000 lao động Nghệ An trở về quê, trong đó có tới gần 30.000 lao động chưa sẵn sàng trở lại doanh nghiệp đã tạo sức ép cho công tác giải quyết việc làm của địa phương.
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động được xác định là biện pháp then chốt trong vấn đề giải quyết việc làm. Hiện ngành đang đẩy mạnh và đa dạng các hình thức kết nối để doanh nghiệp và người lao động có thể gặp nhau.
Từ thực tiễn, ngành Lao động đang tính toán lại, trên cơ sở tăng số lao động làm việc tại địa phương, giảm lao động làm việc ở các tỉnh. Mục tiêu đơn vị này đưa ra là mỗi năm giải quyết việc làm bình quân 42.000 lao động, cao hơn nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Cụ thể, tăng giải quyết lao động trong tỉnh lên 66,2%, đi ngoại tỉnh giảm xuống còn 6,4%, xuất khẩu lao động giảm còn 27,4%, trong đó có tính toán cho số lao động về quê tránh dịch.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng cũng được xác định là giải pháp quan trọng của ngành Lao động trong thời gian tới.
"Trong thời gian tới sẽ tăng cường đào tạo nghề có trình độ cao đẳng, trung cấp, giảm sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng. Gắn đào tạo nghề với đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phối hợp trong dây chuyền làm việc và kiến thức xã hội cho người lao động. Cùng với đó, tăng cường phối hợp "3 nhà" (nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp) để đào tạo gắn với nhu cầu lao động.
Doanh nghiệp sẽ tham gia vào tuyển sinh, xây dựng giáo trình đào tạo, đào tạo và giải quyết việc làm. Khi chất lượng lao động được nâng lên, việc làm bền vững thì người lao động sẽ gắn bó với doanh nghiệp, gắn bó với quê hương", ông Đoàn Hồng Vũ nêu giải pháp.
Cũng theo ông Vũ, khoảng 50.000 lao động chưa thể kết nối hay không có nhu cầu trở lại nơi cũ làm việc sẽ tự tạo việc làm trong gia đình, hộ kinh doanh, làng nghề, hợp tác xã, nông lâm trường nhằm ổn định cuộc sống.