Đó là một trong những giải pháp nhằm "giữ chân" người lao động ở Bắc Ninh - địa phương tập trung 10 khu công nghiệp lớn của miền Bắc.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh, tính đến hết quý III/2022, các khu công nghiệp Bắc Ninh sử dụng tổng 314.644 lao động. Trong đó, lao động địa phương là 85.843 người (chiếm 27,82%), lao động nữ là 174.649 người (chiếm 55,50%), lao động nước ngoài 6.498 người (chiếm 2,065%).
Khu công nghiệp Quế Võ (106.815 người) và Yên Phong (90.096 người) là 2 nơi sử dụng nhiều lao động nhất Bắc Ninh. So với quý II/2022, tổng số lao động tại các khu công nghiệp của Bắc Ninh giảm 5.417 người.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, tính đến hết tháng 11/2022, Bắc Ninh có 19.270 doanh nghiệp, tổng số vốn điều lệ đăng ký là 338.937,77 tỉ đồng và 4.941 đơn vị trực thuộc.
Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng là 1.340 doanh nghiệp, tổng số vốn điều lệ là 9.588,8 tỉ đồng; số đơn vị trực thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh) đang tạm ngừng kinh doanh là 184 đơn vị.
Ông Nguyễn Kim Triều - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Ninh cho biết, tỉnh là địa phương thu hút nhiều lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hơn 450.000 công nhân, trong đó, trên 75% là người ngoài tỉnh. Do đó, việc đảm bảo đời sống cho công nhân lao động, giúp họ yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà địa phương này đã đặt ra.
Để giữ chân người lao động, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước và hợp tác xã, công nhân và người lao động nhằm điều chỉnh chính sách, đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời tới các cá nhân và tập thể.
Đồng thời, đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp và công nhân để người lao động yên tâm làm việc và gắn bó với địa phương.
"Trước tình hình khó khăn như hiện nay, Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp với các đơn vị khẩn trương rà soát số lượng người lao động dôi dư bị ảnh hưởng đến việc làm từ đó, tìm kiếm những doanh nghiệp phù hợp kịp thời giúp công nhân có ngay việc làm", ông Triều thông tin.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Ninh cũng kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành và chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, giảm thuế, mặt bằng… từ đó doanh nghiệp có thể chia sẻ lại cho người lao động.
Ông Triều cho biết, thời điểm cuối năm, cận Tết, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh hiện cũng đang đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận.
Công đoàn tỉnh đang phối hợp với các doanh nghiệp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, tránh xảy ra tranh chấp lao động, đình công. Chuẩn bị các phần quà Tết cho người lao động trên địa bàn.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay cả nước có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm và đời sống. Trong đó, 441 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, với tổng số gần 625.000 lao động. Những ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…
Tình trạng này xảy ra phần lớn ở một số doanh nghiệp phía Nam. Nguyên nhân có thể do thiếu đơn hàng hoặc nguyên vật liệu. Ngoài ra, do biến động về tình hình thế giới, Mỹ và một số nước Châu Âu có hiện tượng lạm phát, vì thế doanh nghiệp có những đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường này đã chịu ảnh hưởng nhất định.