Mùa thu hoạch mà... tàu phải nằm bờ
Thời điểm này khá thuận lợi cho những chuyến ra khơi, thế nhưng rất nhiều những con tàu vẫn nằm bờ chờ lao động tại Thanh Hóa. Ghi nhận của PV tại các cảng cá ở Lạch Bạng (TP Sầm Sơn) và Lạch Hới (thị xã Nghi Sơn) cho thấy, hàng loạt tàu lớn đều đang neo đậu vì chưa tuyển đủ người ra khơi.
Hàng chục năm trong nghề giữ tàu, ông Cao Văn Quyết (xã Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) lại thấy việc đi nghề khó khăn như những năm gần đây.
Khó khăn và nan giải nhất chính là nguồn lao động đi biển. Bây giờ được gọi là "mùa vàng" của ngư dân nhưng cũng không thể đi liên tục được.
Trong 10 ngày nay, ông Quyết và chủ tàu đi tìm lao động khắp nơi, thế nhưng đến giờ, tàu vẫn chưa thể ra khơi được vì chưa đủ lao động. Tàu của ông Quyết là tàu thu mua cá, cần lao động có sức khỏe và có kinh nghiệm, số lượng cũng cần ít nhất 12 người.
Do khan hiếm nguồn lao động nên không có sự lựa chọn nhiều. Dù lao động không có kinh nghiệm nhưng vẫn phải tuyển. Dẫu vậy vẫn không đủ 12 người, thậm chí dưới 10 người đành phải cố ra khơi.
"Tôi đã tìm người cả 10 ngày nay mà vẫn chưa đủ. Hiện nay, lao động trên tàu chủ yếu là anh em, họ hàng" - ông Quyết nói.
Vừa trở về sau chuyến ra khơi, anh Phạm Gia Sơn đang cho tàu neo đậu tại cảng cá Lạch Bạng cho biết, tàu của anh ít nhất cần 16 lao động. Thế nhưng mấy năm nay, chưa bao giờ tuyển đủ được số người trên.
"Năm nay có dịch, họ không đi xuất khẩu lao động được nên mới có người. Nay mai, hết dịch họ lại đi hết, tôi cũng không biết xoay xở ra sao. Không đủ lao động, chủ tàu vừa làm nhiệm vụ lái tàu, vừa kéo giã hoặc làm nhiều các việc khác nên vô cùng vất vả. Không đủ người, 1 lao động phải kiêm việc của cả 2-3 lao động.
Đang neo đậu ở Cảng cá Lạch Bạng, anh Trần Cao Phùng, một chủ tàu ở tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Tàu của tôi cần 16-18 người, nhưng hiện chỉ tuyển được 12 người đi. Họ cứ đi 1 chuyến rồi lại nghỉ. Lâu lắm rồi không còn duy trì được lao động mà chuyến nào đi thì tìm người chuyến đó. Thậm chí đang ở ngoài khơi với mình mà họ cũng bỏ về giữa chừng. Nhiều khi đã lên lịch rồi mà tìm không ra người lại phải lùi ngày lại".
Theo anh Phùng, trong 12 lao động trên tàu hiện có của gia đình, thì có tới 5 người là anh em họ hàng còn lại là người mới.
Lên núi tìm lao động đi biển
Nhiều chủ tàu phải tìm mọi cách để giữ chân bạn chài sau mỗi chuyến ra khơi, nhưng lao động nghề biển vẫn đang là bài toán nan giải tại các địa phương ven biển hiện nay.
"Lao động không ham nghề biển nữa, họ làm nghề trên bờ, công việc và thu nhập ổn định. Đặc biệt, những năm gần đây, các công ty như may mặc, giày da mọc lên nhiều trên địa bàn khiến họ thu hút hết nguồn lao động. Trong khi đó, lao động đi biển phải thanh niên mới đi được chứ người nhiều tuổi thì không làm được vì công việc vất vả, đòi hỏi sức khỏe phải tốt.
Không những vậy, mỗi chuyến ra khơi kéo dài khoảng 1 tuần, có khi hơn tùy vào thời tiết thế nhưng thu nhập cho người lao động cũng không nhiều. Trung bình mỗi tháng họ được trả khoảng 4-5 triệu đồng, tùy vào sản lượng cá đánh bắt được. Thu nhập thấp, công với công việc vất vả và nguy hiểm đến tính mạng nên càng ngày họ càng bỏ nghề biển"- ông Quyết cho biết.
Cũng theo ông Quyết, dầu mỡ bây giờ cũng không đắt lắm, chứ đắt thì các chủ tàu cũng đến bán thuyền. Ngày xưa, lao động toàn là người địa phương, 13-14 tuổi đã biết đi biển nên họ có kinh nghiệm, không phải đào tạo còn bây giờ, ngư dân phải lên các huyện miền núi như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát… tuyển người.
"Những lao động này không có kinh nghiệm nên họ vừa làm, mình vừa phải dạy họ. Những chuyến đi có nhiều lao động mới, chúng tôi không khỏi nơm nớp lo sợ, chỉ cần người lao động có một sơ suất nhỏ cũng có thể bỏ mạng giữa biển khơi" - ông Phạm Gia Sơn chia sẻ.
Tính đến ngày 15/3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 7.096 chiếc tàu. Tổng số lao động tham gia khai thác là 24.025 người, trong đó lao động trên tàu khai thác xa bờ khoảng 14 nghìn người.