Đa dạng ngành nghề tham gia tuyển dụng người khuyết tật
Thực hiện chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội Người khuyết tật TP Hà Nội tổ chức "Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật" đồng bộ trên hệ thống sàn Hà Nội, gồm sàn trung tâm và 14 sàn vệ tinh sáng ngày 22/11. Đơn vị tổ chức cho hay, chương trình được tổ chức nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho người lao động khuyết tật tiếp cận với thị trường việc làm, giúp họ tự tin, chủ động tìm kiếm việc làm, học nghề để có thể tham gia vào thị trường lao động.
Theo đó, phiên giao dịch sáng 22/11 thu hút 27 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với hơn 1.100 chỉ tiêu. Trong đó, 8 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật với các cơ sở sản xuất, đào tạo có uy tín thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau gồm Công ty TNHH Thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương, Công ty TNHH Xã hội 3/12, Công ty TNHH Duccest… Các đơn vị này mang đến tiêu chí và ngành nghề phù hợp với nhiều dạng khuyết tật, từ vận động, nghe, nhìn, nói đến trí tuệ như công nhân may, bảo vệ, thợ thủ công mỹ nghệ, nhân viên kinh doanh, thợ thêu tranh…, kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khuyết tật tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng, thu nhập ổn định và có thể gắn bó lâu dài.
Theo giám đốc Hoàng Thị Khương của Công ty TNHH Thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương, sau gần 10 năm hoạt động, đơn vị đã cung ứng việc làm cho 26 lao động người khuyết tật trên địa bàn xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội với thu nhập trung bình 3,6 triệu đồng/tháng. Bà Khương cho hay cơ sở này kỳ vọng có thể thu hút thêm được 6 nhân sự nữa cho kỳ sản xuất cuối năm và các ứng viên được tuyển dụng có thể là người khuyết tật vận động hoặc khuyết tật trí tuệ ở mức độ nhẹ.
"Người lao động sẽ được dạy nghề thêu ngay tại công ty, trả công theo sản phẩm hoàn thiện. Chúng tôi hoạt động với mục tiêu hỗ trợ được nhiều nhất có thể cho người lao động khuyết tật, như là chỗ dựa cho họ để người lao động có thể tự tin sống bằng năng lực của mình, bước ra xã hội", bà Khương chia sẻ.
Trong khi đó, Angles' Haven - một tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc - đến với phiên giao dịch với mục tiêu tuyển sinh gần 100 chỉ tiêu học viên để đào tạo các ngành pha chế và thiết kế đồ họa, dán nhãn dữ liệu, làm bánh và pha chế. Gian hàng của tổ chức này thu hút nhiều bạn trẻ bị khuyết tật vận động đến tìm hiểu thông tin.
Theo bà Seo Eunji, quản lý dự án, tổ chức này mong muốn có thể hỗ trợ người khuyết tật có thêm kỹ năng nghề nghiệp để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm với các khóa học kéo dài 6 tháng cùng 1 tháng thực tập tại các doanh nghiệp.
"Chúng tôi sẽ có 6 tháng đồng hành với các học viên sau khi tốt nghiệp, đảm bảo một phần đầu ra cho các bạn nhằm giúp người khuyết tật thực sự hòa nhập với xã hội", đại diện Angles' Haven cho hay.
Thay đổi thói quen, giúp người khuyết tật bước ra khỏi vòng tay gia đình
Ông Vũ Đức Thắng - Trưởng phòng tư vấn giới thiệu việc làm tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội - cho biết ban tổ chức mong muốn người khuyết tật có thể tiếp xúc được với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng. Trong chương trình kết nối người khuyết tật với nhà tuyển dụng lần thứ 2 trong năm 2022, ông Thắng kỳ vọng các ứng viên có thể thay đổi nhận thức và cách nghĩ.
"Trước đây khoảng 3-5 năm, nói đến việc làm cho người khuyết tật thì hầu hết họ đều rất sợ. Phần lớn họ không dám bước chân ra khỏi vòng tay gia đình. Chúng tôi đã làm rất thường xuyên, tích cực, để thay đổi cách nghĩ cũng như thói quen của người khuyết tật cũng như gia đình họ. Một vài chương trình gần đây thì số lượng người khuyết tật tham gia đã nhiều hơn, và doanh nghiệp cũng dần biết cần làm gì để có thể tuyển dụng được nhóm lao động này. Chúng tôi mong rằng với các chương trình này, cung cầu của thị trường lao động khuyết tật được mở rộng, và ngày càng có nhiều ứng viên cũng như nhà tuyển dụng có thể tìm thấy nhau", ông Thắng nói.
Vị này cũng cho hay nhiều người khuyết tật lo ngại bị lừa khi đi tìm việc. Do đó, Sàn giao dịch việc làm Hà Nội đã lựa chọn, điều tra kỹ về hồ sơ của các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng, với tiêu chí doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm, tài chính tốt, có công việc phù hợp với nhiều dạng khuyết tật.
"Nguồn cầu lao động khuyết tật hiện nay không còn gói gọn trong các ngành thủ công như làm tăm, chổi… mà còn ở cả ngành kinh doanh, công nhân may, pha chế, thiết kế đồ họa…, phù hợp với nhiều dạng khuyết tật. Do đó, người khuyết tật có thêm nhiều lựa chọn cơ hội nghề nghiệp phù hợp hơn với mình", ông Thắng chia sẻ.
Phần lớn người khuyết tật đến với phiên giao dịch việc làm sáng nay quan tâm đến các công việc thuộc nhóm nghề may, bảo vệ. Hầu hết họ vẫn khá e dè khi tiếp xúc với nhà tuyển dụng do không có nhiều kinh nghiệm làm việc.
Chị Nguyễn Thị Hằng, 34 tuổi, sống tại Đông Anh, Hà Nội, dù đến với sàn giao dịch khá sớm và đặt mục tiêu nhận được một công việc nhẹ nhàng, phù hợp với dạng khuyết tật vận động của bản thân, nhưng không tìm được nhu cầu tuyển dụng tương ứng.
"Tôi không có kỹ năng nghề và chưa từng có kinh nghiệm làm việc, chỉ mong muốn tìm công việc bán hàng online vì còn có chồng bị khiếm thị. Nhưng ở đây không có công việc phù hợp với nhu cầu", chị cho hay.