Trước dịch, toàn ngành có khoảng 4 triệu lao động, trong đó có 1,5 triệu lao động trực tiếp, với 45% được đào tạo chuyên ngành du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác, 20% chưa qua đào tạo. Đến nay, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch đã hoạt động bình thường với hơn 34.000 cơ sở và 70.000 buồng nhưng số lao động trong cơ sở lưu trú du lịch mới được hơn 30.000 người, nhiều lao động chưa được đào tạo đầy đủ. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch của Việt Nam còn nhiều hạn chế so với nhiều nước trong khu vực như: Nguồn lao động thiếu, trình độ ngoại ngữ, khả năng quản trị, quản lý, nhất là quản trị cấp cao… còn yếu.

Hiện cả nước hiện có gần 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm về dạy nghề. Với khách sạn, các chuyên ngành chủ yếu ở trình độ trung cấp và dạy nghề… Công tác đào tạo nhân lực du lịch dù đạt tới kiến thức, kỹ năng theo các tiêu chuẩn đã được thỏa thuận trong khu vực và mở rộng ra phạm vi toàn cầu nhưng chưa đạt kỳ vọng. Cơ sở du lịch ngày càng tăng nhưng năng lực đào tạo còn hạn chế. Tính liên thông về chương trình, kết cấu chương trình đào tạo giữa các cơ sở không đồng nhất; cơ sở đào tạo manh mún, nhỏ lẻ…

Theo https://nld.com.vn