Việt Nam được xem là quốc gia có lực lượng lao động trẻ, nhưng chất lượng lao động còn thấp, kỹ năng lao động còn chưa theo kịp đối với yêu cầu chủ động hội nhập vào nền kinh tế số.
Theo khảo sát của một đơn vị tuyển dụng lớn, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao, có kỹ năng của doanh nghiệp tại Việt Nam không ngừng gia tăng, mở rộng đa ngành nghề, trong đó có các lĩnh vực sản xuất, hàng tiêu dùng - bán lẻ, tài chính ngân hàng và công nghệ thông tin...
Thực tế, lượng lao động cấp cao, có kỹ năng dù chỉ chiếm 10% trong doanh nghiệp song họ được coi là có thể quyết định 90% lợi nhuận, doanh số và chiến lược đi lên của các doanh nghiệp.
Nhưng ở Việt Nam, nhân lực chất lượng cao đã qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, chỉ khoảng 24,5%, trong khi nhân sự đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là một trong những "chìa khóa" để giúp bài toán chuyển đổi số của cả nền kinh tế có thể thành công.
Đánh giá chung, trong năm 2021, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao vẫn tiếp tục tăng, chủ yếu tập trung ở mảng công nghệ, dữ liệu. Bên cạnh đó, xuất hiện nhu cầu tuyển dụng các ứng viên có kinh nghiệm tại các công ty lớn ở nước ngoài trong các ngành nghề mới như: dữ liệu (Big Data), thiết kế, marketing, chuyển đổi số.
Tại hai đầu tàu kinh tế cả nước là Hà Nội và TPHCM, nhu cầu nhân sự có kỹ năng thể hiện rõ nhất ở các ngành như ngân hàng, công nghệ thông tin. Các vị trí phát triển ứng dụng, công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, marketing và kinh doanh trên nền tảng số tiếp tục có nhu cầu tăng cao.
Trong khi đó, tại TP.HCM, dự báo về nhu lao động qua đào tạo chiếm đến 87,19% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó, riêng trình độ đại học trở lên chiếm 21,07%; cao đẳng chiếm 19,81%; trung cấp chiếm 26,35%; sơ cấp chiếm 19,96%. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá thấp với 12,81% tổng nhu cầu nhân lực.
Tuy nhiên, theo VCCI, có tới 53% doanh nghiệp Việt Nam không dự báo được kỹ năng tương lai cần thiết cho lực lượng lao động của mình bởi tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam năm 2020 là 64,5% và tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ở Việt Nam chỉ 24,5%, bằng 1/3 các nước và các nền công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore.
Về dài hạn, để chuẩn bị lực lượng lao động có kỹ năng nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó đặt mục tiêu phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Chiến lược cũng phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại; một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%.
Theo bà Nguyễn Hồng Hà, Đại diện lâm thời, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, phần đông doanh nghiệp Việt Nam cũng như ở các nước đang phát triển là doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, nhiều doanh nghiệp đang cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, công nghệ đơn giản, kỹ năng tay nghề thấp và tiền lương thấp thay vì chất lượng cao, giá trị gia tăng và tay nghề cao để có thể có công việc tốt hơn với mức lương cao hơn.
Đại diện ILO cho rằng, phát triển kỹ năng cho người lao động phải được đưa ra thảo luận gắn liền với nội dung quá trình hiện đại và nâng cấp nền kinh tế. Nếu nhìn vào số liệu của thị trường lao động, lao động có kỹ năng cao của Việt Nam thấp hơn trung bình của ASEAN.
Chuyên gia ILO cũng nêu quan điểm, cần nhìn nhận kỹ năng như một động lực để nâng cấp nền kinh tế và là thành tố then chốt để các ngành kinh tế có thể đạt được mục tiêu. Để làm được điều này, sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học với doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng; đồng thời, vai trò của các bên liên quan trong giáo dục đào tạo, đặc biệt từ doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và từ Chính phủ cần thể hiện rõ hơn.