Con số này rất ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách nới lỏng kiểm dịch, đang trên đà hồi phục kinh tế và phấn đấu mở cửa nền kinh tế cuối tháng 4/2022.
Theo Tổng cục Thống kê, chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 giúp cho thị trường lao động quý I năm 2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước. Con số này tuy vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng mức độ đang giảm dần.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2022 ước tính là 51,2 triệu người, tăng 441,1 nghìn người so với quý trước và tăng 158,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2022 là 68,1%, tăng 0,4% so với quý trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Số lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I năm 2022 ước tính là 50 triệu người, tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,8% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,7 triệu người, chiếm 33,5%; khu vực dịch vụ 19,4 triệu người, chiếm 38,7%.
Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2022 ước tính là 2,24%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 2,69%; khu vực nông thôn là 1,97%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động quý I/2022 là 2,46%, trong đó khu vực thành thị là 2,88%; khu vực nông thôn là 2,19%.
Cũng trong quý I/2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) ước tính là 7,93%, trong đó khu vực thành thị là 9,30%; khu vực nông thôn là 7,20%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi này ước tính là 3,01%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 2,39%; khu vực nông thôn là 3,40%.
Trong quý I năm nay, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Công tác an sinh xã hội được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện chu đáo.
Cụ thể, theo báo cáo từ địa phương, giá trị quà tặng cho các đối tượng bảo trợ xã hội từ nguồn ngân sách và xã hội hóa là gần 1 nghìn tỷ đồng; trị giá tiền, quà thăm hỏi và các hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là gần 1,3 nghìn tỷ đồng; trị giá tiền và quà cho các đối tượng ưu đãi là người có công, thân nhân người có công với cách mạng là gần 2,1 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ tình hình đột biến, bất thường (thiên tai, bão lũ,…) phát sinh tại địa phương gần 1,9 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, có hơn 25,5 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên đại bàn cả nước.
Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 tiếp tục được thực hiện. Tính đến ngày 22/3/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ đạt gần 40,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 35,6 triệu lượt người lao động và 378,9 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh; gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ đạt gần 38,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho trên 13 triệu lượt lao động và 363,6 nghìn đơn vị/hộ kinh doanh sử dụng lao động.
Ngoài ra, để đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng do thiếu đói giáp hạt, ngày 15/3/2022 Chính phủ ra Quyết định số 340/QĐ-TTg cấp xuất 1.006,6 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Sơn La và Điện Biên.