UBND tỉnh Bạc Liêu vừa tổng kết 10 năm thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Hỗ trợ học nghề cho hơn 52.000 lao động

Theo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, 10 năm qua (2010 - 2020), tỉnh này đã đào tạo nghề cho 175.840 lao động nông thôn (nhiều nhất là sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, với 154.545 lao động), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2020 là 63%.

Trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Quyết định 1956 là 52.186 lao động (người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật,…) với số tiền trên 61 tỷ đồng.

Bạc Liêu: Dự kiến đào tạo 120.000 lao động nông thôn giai đoạn 2020-2030 - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

10 năm qua, Bạc Liêu đã hỗ trợ học nghề cho hơn 52.000 lao động nông thôn. (Ảnh minh họa)

Kết quả cho thấy: Hơn 137.000 lao động có việc làm sau đào tạo; số lao động được hỗ trợ vay vốn để tổ chức sản xuất sau khi học nghề là 6.838 lao động; số lao động thuộc hộ nghèo sau khi học nghề có việc làm thoát nghèo là 3.883 người; số lao động sau khi học nghề có việc làm trở thành hộ có thu nhập khá là 2.556 người.

Nhiều học viên được đào tạo và áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ có hiệu quả như: Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà, vịt, lợn, dê; kỹ thuật nuôi tôm thẻ, tôm sú, cua biển, cá nước ngọt; kỹ thuật nhân giống lúa; mô hình đan lát lục bình, đan dây nhựa, may dân dụng;…

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, trong quá trình thực hiện đề án 1956 vẫn còn nhiều mặt hạn chế như việc khảo sát, rà soát, nắm nhu cầu học nghề của lao động nông thôn chưa sát thực tế; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa hợp lý, đa số là nghề nông nghiệp phục vụ việc làm tại địa phương...Từ đó, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo đề án vẫn còn khó khăn.

“Nhìn chung, sau học nghề, nhiều người lao động có việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, trong số này có người trở thành hộ khá”, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu khái quát.

Với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề, theo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này là một nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, số biên chế của một số cơ sở cấp huyện không nhiều nhưng bố trí nhiều vị trí việc làm khác nhau dẫn đến thiếu giáo viên dạy nghề.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai đề án 1956, bà Trần Hồng Chiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, cho rằng, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp phải đi trước một bước, cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được thông tin về đào tạo nghề và khả năng giải quyết việc làm sau học nghề để thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động.

“Chỉ khi người dân hiểu rõ, nhận thức đúng về học nghề trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình thì họ mới tích cực tham gia học nghề”, bà Chiến nhận định.

10 năm tới đào tạo 120.000 lao động nông thôn

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2020 - 2030, tỉnh này dự kiến đào tạo nghề cho 120.000 lao động nông thôn (người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động nữ mất việc làm, hộ nghèo, cận nghèo, người bị thu hồi đất, gia đình chính sách và một số đối tượng khác).

Bạc Liêu: Dự kiến đào tạo 120.000 lao động nông thôn giai đoạn 2020-2030 - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

10 năm tới, Bạc Liêu dự kiến đào tạo nghề cho khoảng 120.000 lao động nông thôn.

Để đạt mục tiêu đề ra, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu Trần Hồng Chiến cho biết, tỉnh sẽ tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn phù hợp và sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, của thị trường lao động.

Xây dựng các mô hình đào tạo có hiệu quả thiết thực và phấn đấu đạt đa mục tiêu như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và tạo sinh kế của người dân, chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, phù hợp với cơ cấu kinh tế, với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Mặt khác, tỉnh đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa và tiếp tục nâng cao năng lực đào tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, người dạy nghề, trong đó chú trọng nâng tỷ lệ giáo viên cơ hữu; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, xây dựng các chương trình, giáo trình đáp ứng nhu cầu và phù hợp với người học, với thị trường lao động và phát triển kinh tế của tỉnh.

Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030.

Về chính sách, hỗ trợ chi phí đào tạo (học nghề, vật tư, nguyên, phụ liệu, con giống, cây trồng...), tiền ăn, tiền đi lại; hỗ trợ chi phí tổ chức các lớp đào tạo nghề.

Về cơ chế, hỗ trợ người lao động nông thôn học nghề ở trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng và khi học ở trình độ cao hơn thì người học đóng thêm phần chênh lệch so với mức quy định được hỗ trợ; việc hỗ trợ học nghề không quá 3 lần. Hỗ trợ học nghề thông qua cơ sở đào tạo tổ chức khóa đào tạo đó.

Theo Huỳnh Hải (Báo Dân trí)