Trong chương trình làm việc tại Việt Nam vào ngày 01/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tiến hành hội đàm và chứng kiến Lễ trao đổi các văn kiện hợp tác, biên bản ghi nhớ hợp tác và thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan chức năng của hai nước tại Văn phòng chính phủ, nhằm góp phần tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản.
Có 20 văn kiện và biên bản ghi nhớ hợp tác được trao tại buổi lễ, trong đó có Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ và Khu Công nghiệp Thăng Long dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản có các hoạt động chung nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, được gọi là Sáng kiến chung Việt – Nhật. Là một trong những hoạt động này, Nhóm công tác số 11 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (“MOLISA”) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) thành lập với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực kỹ năng nghề cao.
Hoạt động của Nhóm 11 hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, với các nội dung hợp tác chính là: (i) Tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà đầu tư Nhật Bản và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về nhu cầu nhân lực kỹ thuật chất lượng cao của các nhà đầu tư Nhật Bản; (ii) Hợp tác giữa các tổ chức trên để cải thiện sự cân bằng giữa cung và cầu nguồn nhân lực kỹ thuật; (iii) Hỗ trợ phát triển hệ thống chứng chỉ kỹ năng; (iv) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực kỹ năng nghề cao và hệ thống chứng chỉ kỹ năng.
Chủ trương, định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp và thực trạng đào tạo nghề chất lượng cao của Đảng, Chính phủ.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 - 2030, định hình mô hình phát triển đất nước theo hướng nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại (năm 2030) và là nước phát triển (năm 2045) tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược và đã nêu rõ định hướng xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt.
Đây là cơ sở, là tiền đề rất quan trọng cho phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về “Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới” và Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 21/5/2021 của Chính phủ về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng”. Theo đó, trong giai đoạn tới đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế.
Để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về đào tạo chất lượng cao, giáo dục nghề nghiệp cần đa dạng hóa phương thức đào tạo; hình thành những ngành nghề đào tạo mới, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao, các nghề “xanh”, bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng sáng tạo – khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Thực hiện Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển các trường nghề chất lượng cao đến năm 2020; Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Đề án phát triển các trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025, hiện nay, các trường (45 trường theo quyết định 761 và khoảng 88 trường dự kiến phát triển thành trường chất lượng cao đến năm 2030) được đầu tư đồng bộ các yếu tố đảm bảo chất lượng để đào tạo nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế và tăng cường hệ thống quản lý quản trị hiện đại; một số trường đủ điều kiện đào tạo các nghề được chuyển giao từ Úc, Đức.
Nhìn chung, trong những năm qua, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm đầu tư cho một số ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn; đã ưu tiên tập trung đầu tư cho một số trường để phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao và đến năm 2025 có khoảng 70 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 03 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng đào tạo nghề chất lượng cao tại các cơ sở chưa tương xứng với lực lượng lao động khoảng 55 triệu dân số trong độ tuổi lao động; nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp tuy đã được ưu tiên nhưng còn hạn chế nên chưa hình thành được một số trường cao đẳng chất lượng cao, chưa xây dựng được Trung tâm Quốc gia về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao để đào tạo, đánh giá, kiểm định một số ngành, nghề trọng điểm; đào tạo, bồi dưỡng phương pháp công nghệ giảng dạy mới cho nhà giáo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế và tổ chức các sự kiện lớn của quốc gia, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp…
Tái cơ cấu lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hình thành mạng lưới các trường chất lượng cao, thành lập các trung tâm nghề xuất sắc, các Viện nghiên cứu và thực hành giáo dục nghề nghiệp… được coi là một trong những thay đổi mang tính đột phá góp phần vào thành công của hệ thống giáo dục nghề nghiệp của các nước phát triển ở châu Âu, Singapore, Úc, Ixra-en, Nam Phi.
Dù dưới tên gọi hay hình thức nào, các trung tâm này đều hướng đến việc xây dựng, đầu tư và phát triển hình thành các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao đủ năng lực để đào tạo, đánh giá, kiểm định, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên, nghiên cứu, chuyển giao chương trình, công nghệ, đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế và tổ chức các sự kiện lớn của quốc gia, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, góp phần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động trong nước và quốc tế; là mô hình kiểu mẫu dẫn dắt các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác.
Các quốc gia châu Âu là nơi khởi đầu cho những khái niệm như Trung tâm Đào tạo nghề Xuất sắc, như những mô hình trường cao đẳng chất lượng cao và các viện nghiên cứu, chuyển giao chương trình, kỹ thuật từ rất sớm.
Đặc điểm nổi bật của các trung tâm, các cơ sở này là sự đầu tư có trọng điểm của chính phủ và có sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là khối doanh nghiệp, ngành nghề, tập trung vào các ngành công nghệ cao; là nơi đào tạo, nâng cao năng lực cho các giảng viên, giáo viên cho toàn hệ thống, đồng thời, là trung tâm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu, là nơi tổ chức các hội nghị về giáo dục nghề nghiệp liên quốc gia để chia sẻ các xu hướng giáo dục nghề nghiệp và về các phương pháp giảng dạy mới nhất, tốt nhất.
Triển khai Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, hiện nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang triển khai xây dựng đầu tư Dự án Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại 03 miền Bắc, Trung, Nam thông minh, hiện đại, xanh cùng các trường cao đẳng chất lượng cao khác để đủ năng lực tổ chức đào tạo, thực hành nghề chất lượng cao, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới.
Việc xây dựng và phát triển mô hình Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại 03 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam là một yêu cầu cấp bách. Đây chính là mô hình các trung tâm chất lượng cao về đào tạo nghề, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, phải xác định vai trò và sứ mệnh mới cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đổi mới công nghệ và kỹ thuật số, thúc đẩy sáng tạo và đi đầu trong phương pháp thiết kế và chuyển giao các chương trình giảng dạy mới, cung cấp các kỹ năng chất lượng cao theo quan điểm học tập suốt đời, thúc đẩy nghiên cứu và sự đổi mới; tạo nên hình ảnh giáo dục nghề nghiệp trở nên hấp dẫn hơn, bao trùm và có sự gắn kết.
Bên cạnh Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại miền Trung và miền Nam, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ dự kiến được lựa chọn là một trong ba địa điểm để đầu tư thành lập Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao (tại miền Bắc).
Thầy giáo Đặng An Bình, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, tại Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 xác định cần tăng cường các giải pháp, năng lực gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDNN đáp ứng nhu cầu của Doanh nghiệp. Vì vậy sự gắn kết giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước luôn được Đảng ủy, BGH Nhà trường quan tâm, đặt lên nhiệm vụ chính trị hàng đầu và định hướng phát triển của Nhà trường. Đến năm 2026, Trường trở thành Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại miền Bắc.