Được biết, mô hình 9+ do nhà trường tổ chức đào tạo hướng tới đối tượng là học sinh tốt nghiệp bậc THCS.
Đây là hệ vừa học chương trình giáo dục nghề nghiệp do nhà trường xây dựng, vừa học chương trình giáo dục THPT do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Huế (liên kết với trường) đảm nhiệm.
Sau 2 năm học, khi tốt nghiệp học sinh được cấp bằng Trung cấp; sau 3 năm học, khi tốt nghiệp các em được nhận bằng tốt nghiệp THPT do Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cấp.
Học sinh học có thể sẽ học tiếp lên từ 1 đến 2 năm để nhận bằng Cao đẳng do Hiệu trưởng trường cấp. Sau khi có bằng tốt nghiệp trình độ Trung cấp (2 năm) hoặc Cao đẳng (4 năm), các em có thể đi làm hoặc có thể học liên thông lên bậc học cao hơn tùy theo năng lực và nhu cầu.
Qua đánh giá của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội), mô hình đào tạo 9+ là một mô hình có thể áp dụng hiệu quả ở Việt Nam đồng thời vừa đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS vào học giáo dục nghề nghiệp, vừa đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Trao đổi với Dân trí, Ths.Trần Hữu Châu Giang, Phó Hiệu trưởng Cao đẳng Công nghiệp Huế cho biết nhà trường tuyển sinh hệ 9+ từ năm 2017, đến nay tuy được 4 năm nhưng số lượng học sinh tăng dần qua từng năm.
Cụ thể, năm 2017 được 200 em, năm 2018 được 300, 2019 là 396, và đặc biệt năm nay 2020 được gần gấp đôi với 700 học sinh. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của khóa học sinh đầu tiên 2017-2020 qua kỳ thi vừa rồi đạt 86%, vượt với chỉ tiêu dự kiến 80% nhà trường đề ra.
Có được số lượng tuyển sinh tốt, ông Giang đánh giá, do nhìn nhận của xã hội bắt đầu đã thấy học sinh cần phải có nghề nghiệp cụ thể từ sớm, để sau này lập nghiệp sớm. Và được sự giúp đỡ của Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh định hướng ở các trường cho học sinh biết mô hình 9+ sớm, cũng như định hướng của Quốc Hội.
“Năm này có đến gần 15% học sinh lớp 9 nộp đơn ngay vào học theo mô hình 9+ ở trường từ khi chưa thi vượt cấp 3. Ước tính trong 700 học sinh tuyển sinh thì có 100 em dù đủ khả năng vào trường công lập vào học” - ông Giang nói.
Được biết, nhà trường có cam kết đối với những em nào học lên hệ cao đẳng, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sẽ giới thiệu việc làm trong 6 tháng, nếu không tìm được việc làm cho các em sẽ trả lại tiền học phí nên phụ huynh rất tin tưởng.
Tuy nhiên, trong số các học sinh vào học hệ 9+ cũng có những em không theo được đến cùng. Ước tính có 20% học sinh học mô hình này không có sự yêu thích nên không trụ lại được, đã phải xin nghỉ học làm lao động tự do.
Theo ông Giang, học sinh nếu không quyết tâm sẽ khó học, vì tuổi mới lớn, các em chưa quen lắm với việc học nghề.
Do đó, nhà trường đã bổ sung, điều chỉnh chương trình học bằng cách thêm vào các sân chơi, hoạt động ngoại khóa. Các em có thể không lên lớp hoàn toàn ở các môn mà sẽ được học thi nhóm, khi thi sẽ bảo vệ đề tài của mình theo sản phẩm làm ra.
Nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, nhà trường xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp với học sinh, sinh viên có nhu cầu tham gia thị trường lao động quốc tế như cho phép tự chọn các ngoại ngữ như tiếng Nhật, Hàn, Đức… thay vì chỉ có tiếng Anh; tập trung đào tạo các kỹ năng nghề mà các thị trường quốc tế cần với sự phối hợp của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; triển khai các trường trình thực tập có thu nhập tại trong và ngoài nước nhằm hạn chế đào tạo lại sau khi tốt nghiệp.
Có hơn 70% thời lượng, thường xuyên đưa học sinh đi thực tế tại các doanh nghiệp để tiếp cận với thực tế doanh nghiệp.