Có nơi chỉ nhận được... 20 hồ sơ
Trao đổi với phóng viên Dân Trí, ông Lê Đức Trung - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng - cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, ngành du lịch bị tác động mạnh và sẽ ảnh hưởng lâu dài, việc đào tạo du lịch cũng không ít khó khăn”.
Theo ông Trung, khó khăn lớn nhất trong công tác tuyển sinh năm nay là nhiều học sinh đã có dự định theo ngành du lịch từ trước. Dịch Covid-19 khiến hàng nghìn lao động ngành du lịch mất việc, các em cũng có sự dè chừng nhất định.
“Đến nay, trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng đã nhận được hơn 2.000 hồ sơ đăng ký. Mọi năm tỉ lệ hồ sơ ảo vượt quá 50%, dự báo năm nay lượng hồ sơ ảo sẽ tăng cao hơn” - ông Trung cho biết thêm.
Không chỉ ở Đà Nẵng, nhiều trường cao đẳng đào tạo ngành du lịch trên cả nước cũng đang đứng trước những thách thức của mùa tuyển sinh năm nay.
Ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng trường Cao đằng Du lịch Hà Nội - cho rằng, đến thời điểm hiện tại, dù chỉ bắt đầu công tác tuyển sinh thế nhưng đã gặp phải những khó khăn không nhỏ.
Theo ông Khải, ngoài việc nhiều học sinh, sinh viên thay đổi định hướng thì công tác tuyên truyền cũng gặp phải những vướng mắc lớn.
“Năm nay, do dịch Covid-19 việc đưa hình ảnh trường lớp đến với học sinh THPT gặp nhiều hạn chế. Đến thời điểm hiện tại, trường mới chỉ nhận được khoảng 400 hồ sơ đa số là nộp online” - ông Khải chia sẻ.
Nhiều trường cao đẳng cho rằng, việc phục hồi du lịch rất chậm chạp khiến cho không ít phụ huynh và học sinh lo lắng cho tương lai và cơ hội việc làm sau này.
Những trường có kinh nghiệm đào tạo lâu năm đã khó khăn trong việc tuyển sinh do Covid-19. Bởi vậy, trường cao đẳng mới chập chững bước vào đào tạo ngành du lịch còn khó khăn hơn nhiều.
Ông Lê Quang Hùng, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng, cho biết: “Mặc dù còn không ít ngày nữa là bước vào năm học mới thế nhưng trường mới chỉ nhận được hơn 20 hồ sơ đăng ký học ngành du lịch, đây là con số không ngờ tới”.
Theo ông Hùng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trường mới đào tạo môn học về du lịch, học sinh chưa biết đến nhiều. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 khiến cho toàn ngành du lịch chững lại, nhiều sinh viên thậm chí còn chuyển ngành học.
Khai thác internet
Trước tình trạng thiếu sinh viên đăng ký học, nhiều trường đã tăng cường tối đa các biện pháp tuyên truyền, quảng bá trên báo đài, livestream trên mạng xã hội nhưng cũng không đem lại hiệu quả cao.
Ông Trịnh Cao Khải cho biết: “Mọi năm chúng tôi tổ chức các chương trình đưa học sinh cùng các thầy cô THPT đến thăm cơ sở vật chất, phương thức đào tạo của trường. Đồng thời, chúng tôi cử cán bộ đến tận trường làm công tác tuyên truyền, quảng bá đến học sinh đem lại hiệu quả rất cao".
Cũng theo ông Khải, năm nay do hạn chế tập trung đông người, nhà trường đang tích cực tuyên truyền giới thiệu trường qua hệ thống Internet để nhiều người biết đến trường hơn.
Về vấn đề này, ông Lê Đức Trung cho rằng, để đánh giá số lượng học sinh theo học rất khó khi mà dịch bệnh Covid-19 khiến số lượng sinh viên nộp hồ sơ online tăng cao, phát sinh nhiều mặt hạn chế khi tuyên truyền và nhập học qua internet.
“Chỉ vài bước nhấp chuột, điền thông tin qua internet là 1 hồ sơ đăng ký học được hoàn thành. Nhiều sinh viên sử dụng hồ sơ để dự phòng khi không đỗ các trường khác nên rất khó có thể xác định được số lượng hồ sơ ảo” - ông Trung chia sẻ.
Theo thống kê của Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam, 27.000 lao động làm nghề hướng dẫn viên du lịch trên cả nước đang rơi vào tình trạng không có việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đặc thù ngành du lịch phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến dịch bệnh. Hiện nay chưa thể có định hướng trước nào cho nghề nên việc nhiêu học sinh dè chừng khi nộp hồ sơ nhập học du lịch là điều không thể tránh khỏi.
Theo Phạm Công (Báo Dân trí)