Bà Quyên hỏi, nếu bà ngưng đóng BHTN trong tháng 4, chỉ đóng BHXH, BHYT và sang tháng 5 vẫn đóng chỉ đóng BHXH, BHYT thì có ảnh hưởng gì đến quyền lợi nhận BHTN của bà sau này không?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Trường hợp của bà, nếu tháng 4/2020 bà thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động thì bà dừng đóng BHTN, bà có thể tham gia BHXH tự nguyện và BHYT tự nguyện theo diện hộ gia đình.
Trường hợp nếu tháng 4/2020 bà chỉ ngừng việc, chưa chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty, căn cứ Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH: “Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó”. Tháng 4/2020 bà và công ty không đóng BHXH, BHTN cho tháng này.
Tại Khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm quy định: “Thời gian đóng BHTN để xét hưởng BHTN là tổng các khoảng thời gian đã đóng BHTN liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng BHTN cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp”. Thời gian đã đóng BHTN chưa hưởng của bà sẽ được cộng dồn với thời gian tham gia đóng BHTN sau này để làm căn cứ tính hưởng chế độ BHTN khi bà đủ điều kiện theo quy định, không bị ảnh hưởng do có tháng ngừng đóng BHTN (tháng 4/2020).
Tại Điều 49 Luật Việc làm quy định về điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp đối với người tham gia BHTN gồm:
“1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết”.
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ, người lao động đang đóng BHTN là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN và được tổ chức BHXH xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:
- Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH;
- Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.
Do bà không cung cấp cụ thể về tình trạng làm việc của bà sau khi thôi việc nên BHXH Việt Nam cung cấp thông tin nêu trên để bà được biết.
Theo Chinhphu.vn