Thực hiện Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 về tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, toàn ngành quyết tâm thực hiện dứt điểm chi hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đã nộp hồ sơ đúng hạn.
Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn theo sát diễn biến thực tế, kịp thời triển khai các giải pháp linh hoạt nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khắc phục khó khăn, góp phần phục hồi kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người lao động, đồng thời bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động tham mưu, phối hợp các Bộ trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động.
Các chính sách đã thực hiện là Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Các chính sách ban hành đã thể hiện sự đúng đắn, kịp thời trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và ban hành các chính sách nhằm góp phần hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.
Theo đó, trong năm 2020, 2021 và 7 tháng đầu năm 2022, để triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất các gói hỗ trợ nêu trên đến tận tay người lao động, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung huy động mọi nguồn lực sẵn có, đẩy nhanh tiến độ giải ngân; phát huy lợi thế của hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin và mã định danh của từng người tham gia, rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục và thời gian chi trả.
Kết quả, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai giảm đóng vào các Quỹ Bảo hiểm xã hội và chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí hơn 45.444 tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Trong đó, tính riêng đối với Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ: Chỉ sau 5 ngày, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc thông báo điều chỉnh mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền khoảng 7.595 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 31/12/2021 toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân đã chi trả chế độ hỗ trợ từ nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho gần 12,968 triệu lao động với số tiền gần 30.804 tỷ đồng.
Để tổ chức, thực hiện kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 24, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã khẩn trương chỉ đạo toàn ngành chuẩn bị các công tác để tổ chức hiệu quả gói hỗ trợ này đúng kế hoạch đặt ra.
Theo đó, phát huy lợi thế của hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin, chú trọng thông tin, tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng gói hỗ trợ đúng thời hạn được tiếp cận và thụ hưởng chính sách nhanh chóng; đặc biệt nêu cao vai trò, trách nhiệm nòng cốt của Bảo hiểm xã hội các địa phương để số tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến đúng - đủ - kịp thời tới người lao động.
Để tổ chức, thực hiện kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 24, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn triển khai gói hỗ trợ, kịp thời nắm bắt các khó khăn vướng mắc, phối hợp bộ, ngành liên quan có các giải pháp tháo gỡ kịp thời.